Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ năm được cho là lớn nhất từ trước đến nay hôm 9/9 và cho biết họ đã làm chủ được khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo, siết chặt thêm mối đe dọa mà các đối thủ và Liên Hợp Quốc đã bất lực trong việc kiềm chế.
Vụ thử hạt nhân nhân dịp kỷ niệm lần thứ 68 quốc khánh Bắc Triều Tiên, đã gây ra một làn sóng chỉ trích toàn cầu. Hoa Kỳ cho biết sẽ làm việc với các đối tác để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, và kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của nước này với vai trò là đồng minh lớn nhất của Bắc Triều Tiên để gây áp lực với Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân của mình.
Theo lãnh đạo thế hệ thứ ba của Triều Tiên Kim Jong Un, 32 tuổi, nước này đã đẩy mạnh phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã được thắt chặt trong tháng Ba và tiếp tục cô lập đất nước này.
Triều Tiên thực sự khiến Mỹ lo lắng. Ảnh: Reuters |
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án mạnh mẽ vụ thử và cho biết sẽ bắt đầu làm việc ngay lập tức dựa trên các chi tiết. Hoa Kỳ, Anh và Pháp đang thúc đẩy 15 thành viên còn lại tiến hành áp đặt các lệnh trừng phạt mới.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon kêu gọi các nước duy trì đoàn kết và có hành động để "khẩn trương phá vỡ vòng xoáy tăng tốc này leo thang."
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sau khi nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết họ đã đồng ý làm việc với Hội đồng An ninh và sử dụng những quyền hạn mạnh mẽ khác để tiếp tục thực thi các biện pháp hiện có đối với Bắc Triều Tiên và "tạo thêm những bước đi quan trọng, bao gồm các biện pháp trừng phạt mới ".
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter kêu gọi tăng cường hơn nữa áp lực quốc tế lên Bắc Triều Tiên và chỉ ra vai trò mà ông nói rằng Trung Quốc "nên giữ".
"Đó là trách nhiệm của Trung Quốc," ông nói tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm Na Uy. "Trung Quốc đã góp phần quan trọng dẫn tới sự phát triển này và họ có trách nhiệm, vai trò quan trọng trong việc đảo ngược tình thế."
Trung Quốc cho biết đã kiên quyết phản đối vụ thử hạt nhân và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình. Trung Quốc cho biết sẽ kháng nghị với đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã không khẳng định về việc liệu Trung Quốc có ủng hộ lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối hàng xóm của mình hay không.
Tổng thống Park của Hàn Quốc cho biết Kim Jong-Un đã cho thấy sự "liều lĩnh điên cuồng" khi hoàn toàn phớt lờ lời kêu gọi của thế giới hãy từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân. Nga, Liên minh châu Âu, NATO, Đức và Anh cũng lên án vụ thử nghiệm.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói rằng Hoa Kỳ vẫn mở cửa cho các cuộc đàm phán "đáng tin cậy và xác thực" về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng nói thêm rằng Bắc Triều Tiên đã cho thấy nước này sẽ không phải là một đối tác đàm phán đáng tin cậy. Đàm phán sáu bên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc đã bị đình trệ trong năm 2008.
Vào hôm qua Bắc Triều Tiên đã tuyên bố: "Các nhà khoa học và kỹ thuật đã tiến hành một vụ thử hạt nhận để đánh giá về sức mạnh của một đầu đạn hạt nhân," theo cơ quan ngôn luận KCNA của Triều Tiên.
Thông báo còn cho biết vụ thử đã chứng minh Bắc Triều Tiên có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo tầm trung, loại được được nước này phóng thử nghiệm vào thứ hai khi ông Obama và các nhà lãnh đạo thế giới khác đang tham dự hội nghị G20 tại Trung Quốc.
Tuyên bố về khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng chưa bao giờ được xác nhận độc lập của các bên khác.
Việc Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ thử nghiệm của mình bất chấp các lệnh trừng phạt là một thách thức với Obama trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông và có thể trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng Mười Một tới, và bất cứ ai thắng cử trong cuộc bầu cử tới cũng sẽ "được thừa hưởng" cơn đau đầu này.
"Các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt trên hầu như tất cả mọi thứ có thể, đến nay, các Chính sách này đã đi vào ngõ cụt", Tadashi Kimiya, một giáo sư Đại học Tokyo chuyên về các vấn đề Triều Tiên cho biết.
"Trong thực tế, các biện pháp có thể mà Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã sử dụng để tạo áp lực lên Bắc Triều Tiên đã đạt đến giới hạn của họ" ông nói.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã suy giảm, một phần do sự gia tăng căng thẳng sau vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 2,1% và chỉ số S&P cùng Nasdaq đều giảm 2,5%.
Tốc độ chưa từng có
Bắc Triều Tiên đã liên tục tiến hành thử nghiệm các loại tên lửa với tốc độ gia tăng chưa từng có trong năm nay, và khả năng gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa của nước này là đặc biệt đáng lo ngại cho các nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Các tiến bộ mới về đầu đạn hạt nhân sẽ cho phép DPRK sản xuất theo ý muốn và như nhiều như mong muốn những đầu đạn hạt nhân nhẹ hơn, đa dạng hơn, nhỏ hơn với sức công phá lớn hơn", KCNA cho biết. (DPRK là tên viết tắt của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên).
Lầu Năm Góc cho biết không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Triều Tiên đã có thể thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross nói. Nhưng ông nói thêm, "Nhưng không thể xem thường những động thái này, Mỹ vẫn sẽ rất thận trọng và lập kế hoạch quân sự cho tình huống xấu nhất."
Hiện vẫn chưa rõ liệu Bình Nhưỡng đã thông báo cho Bắc Kinh hay Moscow về kế hoạch của vụ thử hạt nhân lần thứ 5 này hay chưa. Các quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng sẽ có mặt ở cả hai thủ đô trong tuần này.
Mặc dù Bắc Kinh đã chỉ trích vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhưng nước này cũng đã nhiều lần bày tỏ sự tức giận kể từ khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defense (THAAD) tại Hàn Quốc trong tháng vừa rồi.
Trung Quốc nói rằng THAAD là một mối đe dọa đối với an ninh của nước này và sẽ không làm bất cứ điều gì để đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân.
Theo dữ liệu sơ bộ được thu thập bởi Tổ chức Hiệp ước thử nghiệm hạt nhân toàn diện Vienna (CTBTO), tổ chức theo dõi các vụ thử hạt nhân trên thế giới, chỉ ra một cơn địa chấn khoảng 5 độ Richter đã được phát hiện ở Bắc Triều Tiên hôm thứ Sáu, lớn hơn một cơn địa chấn khác trong tháng Giêng ở nước này sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4.
Khu vực xảy ra cơn địa chấn. Ảnh: Yonhap |
Jeffrey Lewis của Viện Middlebury, California dựa trên các nghiên cứu quốc tế cho biết, độ lớn của cường độ cơn địa chấn lần này cho thấy Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của nước này.
Ông cho biết cường độ và mức độ địa chấn bề mặt chỉ ra rằng đây là một vụ nổ tương đương với một quả bom nguyên tử có sức mạnh từ 20 đến 30 kilotonne và đây là vụ nổ với sức mạnh lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên. Sức mạnh của vụ nổ thử nghiệm này lớn hơn so với quả bom hạt nhân mà Hoa Kỳ đã thả xuống thành phố Hiroshima Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, quả bom này đã phát nổ với một sức mạnh khoảng 15 kiloton.
Giới quân sự của Hàn Quốc ước tính sức mạnh của vụ nổ chỉ vào khoảng 10 kiloton, nhưng chỉ với sưc mạnh đó thì vụ nổ vừa rồi vẫn sẽ là vụ nổ hạt nhân mạnh nhất của Bắc Triều Tiên từ trước cho đến nay.
"Điều quan trọng là đây là vụ thử nghiệm thứ 5, họ đã có rất nhiều kinh nghiệm thử nghiệm hạt nhân. Họ không phải dò dẫm nữa", Lewis nói.
Lầu Năm Góc cho biết sẽ triển khai tại căn cứ Không quân WC-135 một máy bay Boeing sửa đổi để thu thập các bụi hạt nhân trong không khí cũng như bất kỳ mảnh vỡ nào trong không trung để khẳng định bản chất của vụ thử.
Các máy bay sẽ sớm được bay trong khu vực "như là một phần của những nỗ lực của chúng tôi nhằm đánh giá những gì đã xảy ra hôm qua," phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis nói.
Quý Vũ (Reuters)