Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch xây phòng thí nghiệm ở độ sâu 3.000 m dưới Biển Đông nhằm tìm khoáng sản, thậm chí còn dùng cho mục đích quân sự.
Trung Quốc bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA |
Tờ Bloomberg ngày 8/6 dẫn một tài liệu từ Bộ Khoa học Trung Quốc cho biết dự án xây "Trạm không gian" dưới đáy Biển Đông được đề cập trong kế hoạch kinh tế 5 năm của nước này được công bố hồi tháng 3. Đây cũng là kế hoạch xếp thứ 2 trong danh sách 100 ưu tiên khoa học-kỹ thuật của Bắc Kinh.
Chính quyền Bắc Kinh gần đây đang kiểm tra việc thực thi dự án và quyết định đẩy nhanh tiến trình. Phát biểu tại một hội nghị khoa học quốc gia hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Vùng biển sâu chứa những kho tàng vẫn chưa được khai phá và phát triển, để tìm được những kho tàng đó chúng ta phải kiểm soát những công nghệ then chốt để tiếp cận, khám phá và phát triển khu vực này".
Việc xây dựng một phòng thí nghiệm như thế này đòi hỏi Bắc Kinh phải giải quyết nhiều khó khăn về kỹ thuật, địa chất, nguy cơ dễ bị phát hiện và chi phí lớn.
Ông Bryan Clark, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách tại Washington cho rằng: “Việc xây dựng một phòng thí nghiệm lâu dài ở độ sâu như vậy chưa từng được thử bao giờ, nhưng chắc chắn là có thể. Tàu lặn có người lái đã đi tới những độ sâu như vậy suốt 50 năm qua. Cái khó nằm ở chỗ là vận hành liên tục trong nhiều tháng”.
Tuy nói là để tìm kiếm, khai thác tài nguyên dưới Biển Đông nhưng tài liệu mà Bloomberg thu được đã thừa nhận phòng thí nghiệm này còn được sử dụng cho mục đích quân sự
Ông Xu Liping, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói: "Khai thác đại dương là một chiến lược quan trọng với chính phủ Trung Quốc nhưng trạm không gian dưới đáy biển không được thiết kế nhằm chống lại bất kỳ quốc gia hay khu vực nào. Dự án của Trung Quốc sẽ chủ yếu dùng cho mục đích dân sự. Nhưng chúng tôi không thể loại trừ khả năng dự án sẽ có một số chức năng quân sự. Nhiều nước thế giới đã nghiên cứu về các dự án dưới nước như vậy, và Trung Quốc là một quốc gia trong số đó”.
Đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng phòng thí nghiệm này là Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc. Theo tài liệu, một khi đi vào hoạt động, nó sẽ có hàng chục thủy thủ, nhà khoa học làm việc dưới đáy biển trong thời gian lên đến 1 tháng.
Bảo Linh (tổng hợp)