Biển Đông không phải là vấn đề đưa ra nghị sự và không nên được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tại Mông Cổ vào cuối tuần này, một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc nói.
Hội nghị Á - Âu (ASEM) sẽ là cuộc họp ngoại giao đa phương quan trọng đầu tiên sau ngày 12/7 - ngày Tòa trọng tài ra phán quyết về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông.
Căng cẳng và tranh cãi đã gia tăng trước thềm phán quyết của tòa tại The Hague. Trung Quốc đã từ chối công nhận cũng như không tham gia vào vụ kiện này. Bắc Kinh nói rằng tòa án không có thẩm quyền và Trung Quốc không thể bị ép chấp nhận giải quyết tranh chấp.
Trung Quốc đã nhiều lần đổ lỗi cho Mỹ về việc khuấy đảo rắc rối ở Biển Đông - nơi Bắc Kinh có yêu sách lãnh thổ chồng chất với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou) đã báo hiệu rằng việc thảo luận về Biển Đông sẽ không được chào đón tại sự kiện này bởi đây là nơi để thảo luận về các vấn đề giữa châu Á và châu Âu.
"Thượng đỉnh ASEM không phải là nơi thích hợp để thảo luận về Biển Đông. Không có kế hoạch nào để thảo luận về vấn đề này tại chương trình nghị sự của cuộc họp. Và không nên đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự", ông Khổng nói tại cuộc họp báo.
Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu. Ảnh: Kyodo |
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Bắc Kinh tham gia vào việc chuẩn bị cho ASEM nói rằng không thể tránh khỏi tranh chấp Biển Đông được đưa ra tại hội nghị lần này. Theo dự kiến, hội nghị sẽ có sự góp mặt của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Mỹ đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải gần các đảo mà Trung Quốc kiểm soát khiến Bắc Kinh giận dữ. Trung Quốc cũng đang củng cố sự hiện diện quân sự của mình tại đó.
Ông Khổng nói rằng nếu có những căng thẳng trên Biển Đông thì đó là bởi một số nước bên ngoài khu vực thể hiện vũ lực và can thiệp vào.
"Chẳng có lý do gì để đưa vấn đề Biển Đông vào cuộc họp ASEM lần này do quan ngại tự do hàng hải hay các lợi ích an ninh cả. Điều này không có cơ sở", ông này nói thêm.
Philippines: "Không bàn chuyện chính trị"
Trước thềm phán quyết, các công dân Philippines tại Trung Quốc đã nhận được tin nhắn điện thoại từ đại sứ quán của họ, cảnh báo họ không thảo luận về chính trị ởn ơi công cộng và tránh tham gia vào các cuộc thảo luận trên mạng xã hội. Họ được khuyên nên mang theo hộ chiếu và giấy phép cư trú mọi lúc và liên lạc với đại sứ quán hoặc cảnh sát Trung Quốc nếu có bất cứ sự cố nào xảy ra.
Trung Quốc nói nhiều về việc xây đảo và cải tạo đất tại Biển Đông là vì lợi ích cộng đồng, trong đó có cả hàng hải dân sự.
Nhật báo China Daily ngày hôm nay cho biết Trung Quốc sẽ sớm bắt đầu việc xây dựng ngọn hải đăng thứ năm tại đá Vành Khăn, Biển Đông.
Bảo Linh (Reuters)