Trước khi Tòa trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông vào ngày 12/7 tới, thẩm phán Tòa án tối cao Philippines đã đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra với phán quyết của tòa.
Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines gặp gỡ báo chí tại Manila. Ảnh: BBC |
BBC mới đây đã đưa ý kiến của ông Antonio T. Carpio, Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, dự đoán 3 kịch bản có thể xảy ra với phán quyết của PCA về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo ông Antonia, kịch bản này sẽ chi phối tới hơn 85% tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Philippines nói yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra để khoanh vùng chủ quyền tại Biển Đông đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều đã ký kết.
Kịch bản tốt
Đó là PCA sẽ tuyên "đường 9 đoạn" là "vô hiệu", bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền của Philippines, là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines. Nhưng tòa sẽ không đưa ra phán quyết về các vấn đề khác.
Theo phán quyết này, Philippines sẽ có đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý từ bãi cạn Scarborough, ngư dân nước này được quyền đánh bắt tại đây. Tuy nhiên, theo dự đoán, Trung Quốc sẽ không tuân thủ phán quyết trừ khi các nước lớn gây sức ép lên Bắc Kinh.
Thẩm phán Antonio T. Carpio cho biết nếu kịch bản này xảy ra, Philippines có thể tiếp tục theo đuổi vụ kiện tiếp theo tại đảo Ba Bình, khuyết khích Việt Nam và Malaysia theo đuổi vụ kiện này.
Kịch bản thứ hai
PCA sẽ tuyên "đường 9 đoạn" không có giá trị hoặc vô hiệu trong việc tuyên bố chủ quyền hàng hải, đảo Ba Bình không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, bãi cạn Scarborough tạo ra vùng chủ quyền và là ngư trường truyền thống của người Philippines.
Nếu phán quyết này xảy ra, Philippines sẽ phải làm việc với các tổ chức như Liên hợp quốc, ASEAN, EU và thế giới để gây sức ép, buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa và cấm tuyên bố chủ quyền trong khu vực "đường 9 đoạn".
Kịch bản tệ nhất
PCA không phán quyết về giá trị của "đường 9 đoạn", tuyên bố đảo Ba Bình có tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, bãi cạn Scarborough chỉ tạo ra vùng biển chủ quyền. Tòa không đưa ra phán quyết về các vấn đề khác.
Nếu như vậy, Trung Quốc sẽ áp đặt "đường 9 đoạn" là ranh giới chủ quyền, chặn hoặc quấy rối đường tiếp tế của Philippines, Việt Nam và Malaysia ra các đảo của họ ở Trường Sa. Và, xung đột luật pháp trong khu vực đường 9 đoạn vẫn tiếp tục.
Cách duy nhất để các nước chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc là chạy đua vũ trang. Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục tuần tra để thực hiện tự do hàng hải trên Biển Đông, Bắc Kinh sẽ tiếp tục chống lại các hoạt động này. Căng thẳng tiếp tục leo thang.
Ngay trước thềm PCA ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc đã tỏ ra rất tức tối. Reuters dẫn lời ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Một lần nữa, tôi nhấn mạnh tòa trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện và vấn đề liên quan. Tòa không nên tổ chức điều trần hoặc ra phán quyết. Philippines đơn phương đệ đơn kiện là trái luật pháp quốc tế".
Tuy nhiên, phía Mỹ lại rất ủng hộ phán quyết của PCA. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen nhấn mạnh: "Chúng tôi ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có việc sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế như tòa án trọng tài".
Bảo Linh (tổng hợp)