Sau khi bà Tomomi Inada từ chối trả lời về việc quân Nhật có tàn sát dân thường Trung Quốc trong Thế chiến thứ 2 hay không, Trung Quốc đã ngay lập tức lên án tân bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản.
Bà Tomomi Inada. Ảnh: RT |
"Việc bà công khai bác bỏ thực tế đơn giản là một âm mưu nhằm che đậy lịch sử xâm lược của Nhật, thách thức trật tự quốc tế bằng cách làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt. Chúng ta phải chỉ ra rằng đối mặt với lịch sử là nền tảng căn bản để giải quyết các vấn đề lịch sử. Nếu lịch sử bị chối từ, quan hệ Trung - Nhật không có tương lai". Thông báo của bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay cho biết.
Trung Quốc thường xuyên nhắc người dân nước này về vụ thảm sát năm 1937, trong đó họ cho rằng lính Nhật giết hại 300.000 người ở thành phố thủ đô thời bấy giờ. Một toà án của liên minh thời hậu chiến cho rằng số người chết là 142.000, nhưng một số chính trị gia bảo thủ và học giả Nhật bác bỏ vụ thảm sát, cho rằng nó không xảy ra.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong thông báo trên trang mạng xã hội, thể hiện sự "phẫn nộ" về bình luận của bà Inada, và cho rằng có bằng chứng rõ ràng về vụ thảm sát Nam Kinh.
Bà Inada, nhà lập pháp 57 tuổi, hôm qua nhậm chức bộ trưởng Quốc phòng Nhật. Trong cuộc họp báo, bà liên tục từ chối trả lời những câu hỏi về việc bà có lên án những tội ác do nước này từng gây ra hay không.
Bà cho rằng liệu hành động thời chiến của Nhật có nên được mô tả là sự xâm lược hay không, điều đó "tuỳ thuộc và quan điểm mỗi người". Inada cho rằng việc bà bình luận về vấn đề là không "thích hợp".
Bà cũng từ chối trả lời việc có tiếp tục thăm đến Yasukuni hay không. Đền Yasukuni thờ những tướng lĩnh quân phiệt, những người mà Trung Quốc và Hàn Quốc coi là những tội phạm chiến tranh, được coi là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Trong quá khứ bà Inada đã từng đến thăm đền này và bị Hàn Quốc cấm nhập cảnh với lí do này.
Bà Tomomi Inada là nữ bộ trưởng Quốc phòng thứ 2 trong lịch sử Nhật Bản, là đồng minh thân cận với thủ tướng Shinzo Abe. Bà được biết đến là người theo đường lối cứng rắn. Việc bà lên làm bộ trưởng Quốc phòng trong tình hình căng thẳng leo thang khi các tranh chấp trên biển với Trung Quốc ngày càng gay gắt cùng với những mối đe dọa đến từ Triều Tiên, một đồng minh thân cận của Trung Quốc cho thấy Nhật Bản sẵn sàng "đáp trả" nếu Trung Quốc có những hành động vũ lực leo thang.
Truyền thông Trung Quốc ngay lập tức thể hiện "ác cảm" với tân bộ trưởng của Nhật Bản. Truyền thông của nước đông dân nhất Thế giới mô tả bà là một kẻ "cực hữu điển hình" và có tư tưởng dân tộc tương đồng với giới quân phiệt Phát-Xít Nhật trong quá khứ.
Quý Vũ (Reuters)