Sau khi bị Philippines tố ngang nhiên điều tàu chặn các tàu cá ra vào bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đến ngày 2/3 đã rút tàu khỏi khu vực này.
Reuters đưa tin, trả lời trong cuộc họp báo hôm 2/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thừa nhận rằng, Bộ Giao thông vận tải nước này đã đưa một số tài đến để lai dắt một tàu cá bị mắc cạn gần bãi Hải Sâm từ cuối năm 2015.
Ông Hồng còn nói rằng chỉ yêu cầu các tàu đánh bắt cá gần đó rời khỏi hiện trường nhằm đảm bảo an toàn hàng hải và an toàn cho việc lai dắt tàu, đồng thời phủ nhận việc phong tỏa và rượt đuổi tàu cá của Philippines đánh bắt ở ngư trường quanh bãi Hải Sâm.
Những tuyên bố này của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Philippines tố một số tàu của Trung Quốc ngang nhiên chặn các tàu cá ra vào khu vực gần bãi Hải Sâm.
Tàu tuần duyên Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters |
Một quan chức của Philippines cho biết, ông đã nhìn thấy 4 tàu của Trung Quốc ở khu vực này 2 ngày cuối tuần liên tiếp khi ông đi thị sát bằng máy bay. Tuy nhiên, đến ngày 2/3, các máy bay của Không quân Philippines đi thị sát thì thấy các tàu Trung Quốc đã rời khu vực.
Quan chức Philippines khẳng định những chiếc tàu của chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập trái phép bãi Hải Sâm từ một tháng qua.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng, các tàu Trung Quốc có thể quay trở lại ngay ngày mai hoặc không. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh lực lượng quốc phòng của Philippines tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình.
Bãi Hải Sâm là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm cách về phía bắc của đá Vành Khăn và cách đảo Vĩnh Viễn 12 hải lí (khoảng 22 km) về phía nam. Bãi này bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và ngang nhiên biến khu vực này thành một đảo nhân tạo.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết đang xác minh những thông tin về vụ việc trên, đồng thời kêu gọi Trung Quốc không dùng tàu của mình để đe dọa các tàu cá trong khu vực.
Mỹ và nhiều nước châu Á nhiều lần lên án việc Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép trên các đảo, bãi đá ở Biển Đông, gây ra mối đe dọa đối với ổn định khu vực, vi phạm luật lệ về tự do hàng hải, hàng không.
Lê Huyền (tổng hợp)