Quyết định triển khai những tên lửa chống tàu mới của Nhật Bản làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ Trung Quốc khi Bắc Kinh nghi Tokyo có thể đang chuẩn bị cho chiến tranh.
Một hệ phóng tên lửa chống hạm của Nhật Bản. Ảnh: Sputnik |
Đài Sputnik của Nga đưa tin: Như một phần trong chương trình phòng thủ của mình, Nhật Bản dự định phát triển các máy phóng tên lửa mới có khả năng bảo vệ đất nước từ xa, trong đó có các quần đảo đang là nơi tranh chấp giữa 2 nước.
Theo truyền thông địa phương, các tên lửa chống tàu với tầm bắn khoảng 300 km - đủ để bao phủ cả chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư - có thể được triển khai tới đảo Miyako-jima và trên các đảo thuộc quần đảo Sakishima vào năm 2023.
Động thái này đã dẫn tới một loạt chỉ trích từ truyền thống Trung Quốc. Họ coi đây là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tấn công. Ông Zhou Yongshen, một giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc ĐH Ngoại giao Trung Quốc cho biết nếu Nhật Bản đã sẵn sàng dùng đến những tên lửa này thì có nghĩa là Tokyo đã sẵn sàng cho một cuộc chiến khốc liệt.
"Những tên lửa này có thể vượt qua cả hệ thống tên lửa S-300 của Nga về tầm bắn. Hơn nữa, những hệ thống tên lửa của Nhật Bản tiên tiến hơn so với Trung Quốc", ông này cho biết.
Những người dùng mạng xã hội Nhật Bản cũng đã chỉ trích đề xuất này nhưng bắt nguồn từ quan điểm khác. Cư dân mạng Nhật tin rằng những tên lửa này cần thiết lúc này nhưng đến năm 2023 là quá muộn. Và, nếu mua tên lửa chống tàu của Mỹ thì có thể sẽ rẻ hơn. Một vài người thậm chí còn cho rằng nên triển khai trực tiếp tên lửa này đến quần đảo tranh chấp.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Vladislav Shurygin nói với Sputnik rằng một cuộc xung đột vũ trang giữa Nhật Bản và Trung Quóc tại quần đảo tranh chấp là khó xảy ra và không mang lại lợi ích cho cả 2. Ông chỉ ra rằng cả 2 nước liên kết với nhau về mặt kinh tế và một cuộc xung đột sẽ đặt gây áp lực đáng kể cho nền kinh tế Nhật vốn đang phải tiếp tục giải quyết khó khăn khác sau khi trải qua một khó khăn trong 10 năm qua.
"Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima, vì vậy nước này cần một giai đoạn bình ổn để phục hồi. Hơn nữa, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) không có khả năng tấn công đặt ra mối đe dọa đối với Trung Quốc. Trong khi có lực lượng đông đảo và hiện đại, Hải quân Nhật Bản lại thiếu khả năng đổ bộ và sức mạnh ấn tượng để đặt ra yêu sách đối với những hòn đảo này. Vì thế, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, JSDF không thể dẫn đầu một cuộc bành trướng quy mô lớn. Và Trung Quốc đã công khai những ưu tiên của họ - trở thành một thủ lĩnh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xua đuổi đối thủ Nhật Bản - từ rất lâu rồi. Nhưng Trung Quốc cũng nhận thức được một thực tế là Nhật Bản được Mỹ hậu thuẫn với đội quân hùng mạnh và có những lợi ích riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình dương", ông Shurygin giải thích.
Đầu tháng 8, Mỹ đã triển khai một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer tới căn cứ Guam. Đây được cho là động thái phản ứng lại các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Nhưng cũng có thể là một tín hiệu gửi đến cho Trung Quốc bởi Lancer có "khả năng đặc biệt để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa"
Trong khi đó, dự án để tăng cường mức độ bảo vệ cho các đảo xa xôi đã có trong chương trình an ninh quốc gia của Nhật Bản từ năm 2013. Khi đó, Tokyo thậm chí còn có ý định phát triển các tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên đến 500 km vào năm 2016 nhưng do những quan ngại rằng loại vũ khí này có thể vi phạm điều 9 trong hiến pháp Nhật nên đề nghị này đã bị loại bỏ.
Bảo Linh (Sputnik)