(Tinmoi.vn) Bài viết của một quan chức Trung Quốc được đăng trên tờ Jakarta Post của Indonesia đã xuyên tạc sự thật về tình hình Biển Đông, bóp méo lịch sử và vu cáo cho Việt Nam xung quanh những căng thẳng đang diễn ra.
Tác giả Liu Hongyang hiện đang là Thường vụ viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia đã “sáng tác” ra một tác phẩm hoang đường, sai sự thật, vu vạ Việt Nam ở thời điểm hiện tại lẫn trong lịch sử.
Ngay bài viết, Liu Hongyang đã hoang ngôn “Khi bạn đang đọc bài viết này, hàng chục tàu thuyền Việt Nam, trong đó có tàu vũ trang, vẫn đang đâm tàu chấp pháp của Trung Quốc” và nói rằng đã có “hơn 560 vụ va chạm có chủ ý như vậy xảy ra trong 3 tuần qua”. Đây không chỉ là lần đầu tiên phía Trung Quốc có những phát ngôn sai sự thật như vậy. Trong cả 2 cuộc họp báo (ngày 8/5 và ngày 16/5), Trung Quốc luôn vu cáo và đổ lỗi cho Việt Nam về những căng thẳng trên Biển Đông. Nhưng khi được hỏi về bằng chứng để chứng minh những điều trên thì họ không đưa ra được bất cứ điều gì, cho dù là 1 bức ảnh.
Trong buổi họp báo Quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam được Bộ ngoại giao nước ta tổ chức ngày 7/5/2014, phía Việt Nam đã cung cấp cho báo chí trong và ngoài nước các bằng chứng chứng minh tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu CSBVN gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản cho Việt Nam.
Trong khi các bài báo tường thuật về việc giàn khoan TQ xâm phạm lãnh hải đều có ảnh minh họa rõ ràng việc tàu TQ gây hấn thì bài báo này cũng như rất nhiều bài khác tương tự thường "lờ" đi hình ảnh minh họa hiện trường cũng như vị trí đặt giàn khoan.
Nói về sự kiện người dân xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc, đặc biệt là tình hình tại Bình Dương và Hà Tĩnh, Liu Hongyang đã cố tình thổi phồng sự việc sai với bản chất nhằm bôi xấu hình ảnh của Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà chức trách Việt Nam đã hoàn toàn ổn định được tình hình ở Hà Tĩnh và Bình Dương, thì Liu viết vẫn ngang nhiên viết: “Khi bạn đang đọc bài viết này, làn sóng bạo lực tại Việt Nam vẫn chưa hạ nhiệt. Các doanh nhân Trung Quốc tại miền nam Việt Nam vẫn là nạn nhân của đánh đập, cướp bóc…”.
Nói về vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981), Liu đưa ra lý lẽ giàn khoan cách đảo Zhongjian của Trung Quốc 17 hải lý trong khi cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý nghĩa là vị trí này nằm trong vùng tiếp giáp lãnh hải với Trung Quốc. Về vấn đề này, chúng tôi xin trích đăng thông tin từ cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Giàn khoan Hải Dương 981 thuộc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang hoạt động tại tọa độ 15 0 29’N/111 0 12’E bắt đầu từ ngày 2/5 đến nay.
Đối chiếu theo tọa độ trên thì giàn khoan Hải Dương 981 đã xâm phạm vào Lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý (221km) và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý. Đây là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.Việc làm này của CNOOC rõ ràng là đã đi ngược lại tinh thần hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Trắng trợn hơn, Liu nói về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (phía Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) và đưa ra những chứng cứ lịch sử hoàn toàn sai sự thật đồng thời diễn giải nội dung công hàm ngày 14/9/1958 của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nội dung Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bài “Công hàm 1958 và vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa-Trường Sa” đăng trên báo Pháp luật TP.HCM ngày 14/5/2014 đã phân tích đầy đủ ý nghĩa công hàm của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng như mưu đồ của Trung Quốc.
“Tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng chỉ có một nghĩa hẹp là công nhận bề rộng lãnh hải của Trung Quốc. Do vậy, thật không đúng khi lập luận rằng, Việt Nam đã “khẳng định lại sự công nhận của họ đối với yêu sách của Trung Quốc” đối với các quần đảo. Quan trọng hơn, ông Đinh Kim Phúc, giảng viên khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP.HCM cho rằng: “Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay chưa bao giờ lên tiếng phủ nhận hoặc ra Nghị quyết từ bỏ chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.” (trích “Công hàm 1958 và vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa-Trường Sa”- Pháp luật TP.HCM).
Trước sự ngang nhiên của Trung Quốc, Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế. Trong những ngày qua, Việt Nam đã sử dụng nhiều kênh đối thoại, nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn không thực hiện. Phía Việt Nam khẳng định “Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế” để ứng phó với tình hình (dẫn lời Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tại cuộc họp báo ngày 15/5/2014) nhưng tác giả Liu Hongyang lại bóp méo sự thật, vu cáo Việt Nam “làm ngơ” trước các giải pháp đàm phán mà Trung Quốc đưa ra.
Trong bài báo trên, Liu còn bịa khi nói các nước ASEAN quan ngại về căng thẳng leo thang do Việt Nam khuấy động”. Thực tế, những chỉ trích, lên án của các nước trong khu vực Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế trong thời gian vừa qua cũng đủ cho độc giả biết được ai mới là kẻ “gây rối”, ai là kẻ khiến người khác quan ngại.
Bảo Linh