Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/6 tuyên bố, nước này sẽ hoàn tất dự án cải tạo trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam "trong những ngày tới" và chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng.
Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc sẽ sớm hoàn thành các dự án bồi đắp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
"Việc xây dựng trên quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa) không chỉ đáp ứng mục đích quốc phòng, mà còn phục vụ nhu cầu dân sự," phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố trong buổi họp báo sáng nay ở Bắc Kinh.
Sau khi việc cải tạo đất hoàn thành, Bắc Kinh sẽ tiến hành xây dựng các cơ sở cần thiết để hoàn thiện những chức năng liên quan.
"Việc cải tạo đá sắp hoàn thiện, giai đoạn sắp tới, chúng ta sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các mục đích đề ra", ông Lục nói.
|
Phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. |
Bộ Ngoại giao nước này cũng không quên trâng tráo nhấn mạnh, dự án của họ phục vụ các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường, an ninh hàng hải và các mục tiêu quân sự.
Trung Quốc ngang nhiên cho rằng, dự án này là "hợp pháp, trong phạm vi chủ quyền" của nước này. Trong khi đó, theo AP, nước này bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực, tiến hành cải tạo ở hàng loạt bãi đá trên Biển Đông, nhằm xây dựng căn cứ quân sự và chiếm quyền kiểm soát hàng hải.
Trước đó, Mỹ, Philippines và nhiều nước trong khu vực bày tỏ quan ngại, lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ bồi đắp đất ở các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Mỹ ước tính diện tích cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông đã lên tới hơn 800 ha. Gần đây, Trung Quốc còn đưa hai cỗ pháo tự hành lên một khu vực cải tạo đất. Động thái này ngay lập tức vấp phải chỉ trích quốc tế.
|
Hình ảnh vệ tinh tố cáo Trung Quốc cải tạo trái phép tại bãi Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
"Đây là một bước leo thang đáng lo ngại," Thượng nghị sĩ John McCain nhận định hôm 29/5. Tuy nhiên, Trung Quốc đã di chuyển hai cỗ pháo này đi mà không rõ lý do.
Lầu Năm Góc khẳng định, Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trên Biển Đông, sau đó tiến tới thành lập khu vực giới hạn để ngăn cản quyền tự do lưu thông của các tàu thuyền và máy bay.
Biển Đông là nơi có tiềm năng dầu khí và là tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất. Mỗi năm có tới 5.000 tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua khu vực này.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, khu vực mà cả Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền.
Gần đây, để đẩy mạnh yêu sách vô lý trên Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đảo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm xây dựng căn cứ quân sự và chiếm quyền kiểm soát hàng hải.
Yên Yên (Reuters)