Những người vô tình trúng số, nhặt tiền đều phải trải qua giai đoạn bị “khủng bố” bởi đội quân..."cái bang" bủa vây xin của.
Một trong những lý do, khiến chúng ta biết vợ chồng chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (35 tuổi) và anh Trịnh Minh Vương (36 tuổi), quê Quảng Ngãi đang tạm trú tại một con hẻm ở đường Trần Văn Quang, Tân Bình vừa nhặt được 5 triệu yen Nhật (khoảng 1 tỉ VND) là do có quá nhiều người đến tìm cách hôi tiền, xin tiền của anh chị.
Nhiều người vây quanh nhà chị Hồng để xin tiền. |
Nếu không có quá nhiều người đến vây ráp đòi chia tiền hoặc nhiều người khác “nằm vạ” trước cửa giống như chị mắc nợ họ, hẳn vợ chồng chị Ánh Hồng đã không cầu cứu tới lực lượng công an, và thông tin đó đã không tới tai giới truyền thông.
Ngày 21/3, vợ chồng chị Hồng mang một cái loa thùng mua với giá 100 ngàn trước đó ít lâu, ra đầu hẻm rồi bung ra để bán phế liệu. Khi rã thùng, đến phía trong, vợ chồng chị thấy một hộp gỗ dài khoảng 20cm, trong đó có rất nhiều những đồng tiền lạ. Vì không cẩn thận, một số tờ tiền đã bay ra chung quanh làm nhiều người hàng xóm nhìn thấy. Thế là, tin đồn vợ chồng nhà Ánh Hồng “ve chai” trúng kho báu lan nhanh hơn gió.
Chỉ vài giờ sau, đã có người đến nhà anh chị xin tiền, nói rằng nghe đồn là tiền lạ, nên muốn xin “làm kỷ niệm”. Đến tối cùng ngày, số người đến xin tiền đã là không đếm xuể. Chưa hết, có nhiều thanh niên lạ mặt vây chung quanh nhà anh chị, tạo áp lực, không đưa tiền không đi. Cả nhà lo sợ, không ai dám ngủ.
Đến lúc nghe mọi người bàn tán, đó là tiền yen Nhật, có giá trị cực cao, chị Hồng càng hoảng sợ. Trước làn sóng người, tiếng là đi xin tiền, nhưng thật là đang cố khủng bố tinh thần đòi chia tiền, chị đành phải gọi công an để bảo toàn tính mạng cũng như số tiền đã nhặt được. Chị sợ mình sẽ không còn mạng để xài tiền!. Đó là một trải nghiệm hãi hùng, nằm ngoài nhận thức của những người trong hoàn cảnh như chị. Không riêng gì chị Hồng, những người vô tình trúng số, nhặt tiền đều phải trải qua giai đoạn bị “khủng bố” như thế.
Ngày nào, cũng có người gõ cửa mời ông Dũng mua vé số . |
Cũng vì trúng số, mà cuộc sống của ông Huỳnh Thanh Dũng, ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đảo lộn hoàn toàn. Ngày 28 tết Giáp Ngọ, ông Dũng có trúng thưởng 10 tờ vé số trị giá lên tới 8 tỉ đồng. Dù ngày sau khi trúng số, ông Dũng đã làm Từ thiện nhiều nơi, cũng như giúp đỡ bà con, chòm xóm và những gia đình khó khăn trong xã. Ông Dũng đã cho ông Đỏ, người bán 10 tờ vé số cho ông, 100 triệu để sửa nhà. Song, kể từ đó đến nay, hàng ngày, trước cửa nhà ông luôn có khoảng 10 người nằm vật vạ để xin tiền, nhiều người khác tới bấm chuông gạ gẫm mua vé số. Đỉnh điểm, có ngày lên tới 20 người “biểu tình” trước cửa nhà.
Ngoài ra, chính quyền địa phương còn nhận được nhiều thư từ các tỉnh thành ở xa, gửi tới nhờ chuyển cho ông Dũng cũng với mục đích xin tiền. Quá mệt mỏi với lòng tham vô đáy của nhiều người, ông Dũng đành phải lánh đi khỏi chỗ khác và cực kỳ hạn chế nhận điện thoại. Vì trúng số, ông có nhà mà không thể yên ổn ở, công việc làm ăn tắc trách, không thể thoải mái ra ngoài đi ăn, đi chơi.
Khi cụ Hết trúng số, nhiều người lạ hoắc đến nhận bà con. |
Nhắc đến điều này, lại nhớ cụ Nguyễn Văn Hết, người từng trúng số gần 7,6 tỉ đồng. Ngay sau khi biết tin cụ trúng số, những kẻ tới nhà nhận bà con, vật vạ cho tới lúc xin được tiền của cụ chính là những kẻ khiến số tiền lớn của cụ Hết hao hụt nhanh chóng. Vì đã quá già yếu, neo đơn, cụ Hết đã không thể chống lại sự lì lợm và nhẫn tâm của những kẻ chuyên sống ký sinh trên lòng tốt của người khác, đành phải mang nhiều tiền cho bọn chúng.
Chẳng pháp luật nào quy định, người gặp may mắn phải chia sẻ sự may mắn của mình với người khác. Chưa nói, gây áp lực bằng các hình thức như đe dọa, quỳ lạy, nằm vạ…cũng là một hình thức khủng bố tinh thần, vi phạm pháp luật.
Phải chăng, “ăn mày” đang là một văn hóa của người Việt ngày nay?.