Ngay trước thềm đối thoại song phương Mỹ - Trung tại Washington vào ngày 23/6 tới, Trung Quốc đã bao biện rằng việc cải tạo các bãi đá trên Biển Đông là nhằm cải thiện chất lượng Dự báo thời tiết.
Theo tin tức trên South China Morning Post, trong cuộc phỏng vấn với tờ People's Daily, ông Ding Yihui thuộc Viện Kỹ thuật Trung Quốc, và ông Zheng Guoguang, giám đốc Cục Khí tượng Trung Quốc, viện cớ rằng việc cải thiện chất lượng dự báo thời tiết "sẽ có lợi cho khu vực Biển Đông", nơi "thường xuyên hứng chịu thiên tai liên quan đến biển và thời tiết khắc nghiệt".
Ông Zheng cũng không quên rêu rao thêm rằng, việc cải thiện dự báo thời tiết là "trách nhiệm của Trung Quốc với khu vực", nhằm hỗ trợ đối phó với các thiên tai và tăng cường an toàn cho các tàu cá cũng như những phương tiện hàng hải khác.
|
Đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm. |
Sự bao biện này cua Trung Quốc vừa như một cách để "hạ nhiệt" căng thẳng trước thềm đối thoại Mỹ - Trung, vừa để viện cớ cho việc xây dựng và mở rộng trái phép trên các đảo đá Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Tiến sĩ Benjamin Herscovitch thuộc Viện nghiên cứu Độc lập Sydney (Australia) nhận định, tham vọng khí tượng của Bắc Kinh chỉ là một phần trong chiến lược đa diện nhằm áp đặt chủ quyền ở các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Ông Herscovitch nói rằng, ngoài những động thái ngang ngược như cải tạo đất, xây dựng đường băng quân sự, cũng như điều động tàu chiến, Trung Quốc cũng đang tìm cách củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình bằng các bước đi mang tính "xã hội hóa".
"Bằng cách thành lập các cơ sở khí tượng, vai trò quản lý của Trung Quốc càng gia tăng và tuyên bố chủ quyền trên thực tế của Trung Quốc trở nên hợp lý hơn", SCMP dẫn lời ông Herscovitch nói.
Ông Herscovitch cho rằng trong cuộc đối thoại Mỹ-Trung vào ngày 23/6 tới, Washington sẽ có những động thái phản đối mạnh mẽ hành vi bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc gặp diễn ra tại "sân nhà" của Mỹ.
Trung Quốc bao biện rằng việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông phục vụ cho mục đích dự báo thời tiết. |
Tại cuộc hội đàm này, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew sẽ đại diện cho phía Mỹ, trong khi đó dẫn đầu đoàn Trung Quốc sẽ là Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì.
Bắc Kinh coi việc giành quyền kiểm soát gần như trọn vẹn Biển Đông là "quyền lợi chiến lược quốc gia". Sức mạnh quân sự vượt trội so với các quốc gia Đông Nam Á là cơ sở để Trung Quốc củng cố điều này.
Chuyên gia Paul Giarra, Chủ tịch Công ty Tư vấn Global Strategies & Transformation, nhận định, Trung Quốc không chỉ gây xung đột với các nước trong khu vực mà còn làm đảo lộn trật tự quốc tế trên biển và vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển.
Ông đề nghị Mỹ cần hành động để buộc Trung Quốc dừng vi phạm pháp luật và bồi thường hậu quả gây ra ở Biển Đông. Ông cho rằng hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã vượt quá giới hạn cuối cùng, tương đương với hành vi tuyên chiến, vậy nên Mỹ cần áp dụng biện pháp cứng rắn hơn.
Còn chuyên gia Patrick Cronin, Chủ nhiệm Ban An toàn châu Á thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, ghi nhận hành động bồi đắp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông chính là nguyên nhân gây căng thẳng leo thang.
Yên Yên (SCMP)