Liên quan đến việc Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn thành việc cả tạo các bãi đá trên Biển Đông và chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng, Washington cho rằng động thái này chẳng có tác dụng gì trong việc giảm căng thẳng tại khu vực.
Mỹ, quốc gia từng nhiều lần kêu gọi Trung Quốc ngừng xây đảo trên Biển Đông, cho biết, Washington "lưu ý" thông báo của Trung Quốc và quan ngại về việc Bắc Kinh tính tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm cả phục vụ mục đích quân sự, tại các bãi đá bị cải tạo thuộc quần đảo Trường Sa.
"Kế hoạch của Trung Quốc không góp phần giảm căng thẳng, hỗ trợ các giải pháp ngoại giao và hòa bình khẩn cấp hay củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm 16/6.
Theo tin tức trên Reuters, năm ngoái, Trung Quốc tăng cường xây đảo nhân tạo, khiến một số quốc gia châu Á phải báo động và Mỹ nhiều lần lên tiếng chỉ trích. Gàn đây, căng thẳng đã xảy ra giữa Hải quân Trung Quốc và quân đội Mỹ trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không chỉ rõ hoạt động cải tạo tại khu vực nào trong số 7 bãi đá sắp hoàn tất nhưng điều này "phù hợp với kế hoạch làm việc". Bắc Kinh sẽ xây cơ sở hạ tầng trên các đảo để "hoàn thiện những chức năng liên quan".
Tàu hút bùn Trung Quốc hoạt động gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa do phi cơ giám sát P-8A Poseidon của Mỹ chụp hôm 21/5. |
Trong buổi tuyên bố sắp hoàn thành việc cải tạo phi pháp, phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng không quên nhắc lại luận điệu các đảo nhân tạo sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, viện trợ thiên tai, bảo vệ môi trường, hỗ trợ định vị cùng mục đích quân sự chưa xác định. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông "không bị ảnh hưởng".
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines. Biển Đông có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua vùng này mỗi năm.
Mỹ ước tính diện tích cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông đã lên tới hơn 800 ha. Gần đây, Trung Quốc còn đưa hai cỗ pháo tự hành lên một khu vực cải tạo đất. Động thái này ngay lập tức vấp phải chỉ trích quốc tế.
Lầu Năm Góc khẳng định, Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trên Biển Đông, sau đó tiến tới thành lập khu vực giới hạn để ngăn cản quyền tự do lưu thông của các tàu thuyền và máy bay.
Mỹ ước tính diện tích cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông đã lên tới hơn 800 ha. |
Theo chuyên gia Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mira Rapp Hooper, động thái thông báo kế hoạch kết thúc xây dựng có thể đã được điều chỉnh nhằm giảm căng thẳng ngoại giao trước thềm đối thoại thường niên. Tuy nhiên, điều này không chỉ ra sự thay đổi nào trong Chính sách của Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, nước này sẽ ra tranh tụng với Trung Quốc về biển Đông tại Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) vào ngày 7/7 tới.
Cơ quan này cũng khẳng định, cho dù Trung Quốc có tham gia vụ kiện hay không thì Manila cũng sẽ trình ra các bằng chứng chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines, ông Charles Jose cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị cho phiên đối chất tại The Hague từ ngày 7-13/7. Nhóm đại diện Philippines sẽ bay từ Manila đến Hà Lan và Washington để tham gia phiên điều trần”.
Philippines rất coi trọng phiên tòa lần này bởi nó sẽ xác định tính pháp lý của việc khiếu nại cũng như thẩm quyền của tòa án.
Yên Yên (Reuters)