Theo các quan chức Hải quân cấp cao của Mỹ, nước này đã tụt lại phía sau các đối thủ tiềm năng trong một số lĩnh vực công nghệ trọng điểm như mạng chiến đấu tích hợp.
Tại hội thảo Navy League’s Sea, Air and Space, một đô đốc Hải quân Mỹ nói rằng cụm từ "gần bằng" là sai - trong một số trường hợp, Nga và Trung Quốc thậm chí còn có lợi thế hơn các lực lượng của Mỹ.
"Các đối thủ cạnh tranh gần bằng chúng ta giờ không còn gần ngang hàng nữa", Chuẩn Đô đốc Mike Darrah, giám đốc điều hành chương trình Chỉ huy hệ thống trên không của Hải quân, nói về các hệ thống không người lái và vũ khí tấn công. "Trong một số trường hợp, họ còn vượt chúng ta", ông nói.
Trong khi ông Darrah không muốn đi vào chi tiết, ông nói rằng một lĩnh vực mà Mỹ đang thụt hậu là mạng lưới. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng cụm từ "gần bằng" là hạ mình và không xứng khi nói về những nguy hiểm thực sự.
Các chiến đấu cơ của Nga. Ảnh: Creative Commons |
Đây cũng là thông điệp mà các lãnh đạo hải quân khác, như giám đốc chương trình Vũ khí tấn công NAVAIR, đại úy Jamie Engdahl lặp lại: Mỹ không tung ra những vũ khí hiện đại đủ nhanh để theo kịp những tiến bộ kỹ thuật của các nước khác.
Do các quan ngại về an ninh nên ông Darrah từ chối trả lời câu hỏi Mỹ có thể làm gì để chống lại lợi thế của đối phương. Nhưng ông đã nói về những lĩnh vực cụ thể mà Mỹ cần cải thiện - ví dụ như việc nhận dạng trong chiến đấu, đặc biệt là trong một môi trường mà những cuộc tấn công điện tử của kẻ thù sẽ liên tục phá vỡ các mạng lưới liên lạc của Mỹ. "Chúng ta chưa làm tốt trong việc nhận dạng khi tham gia chiến đấu", ông Darrah nói.
Vị trí, hướng và thời gian trong môi trường không có GPS hoặc ở nơi mà kẻ thù đang tấn công tích cực vệ tinh định vị chính là lĩnh vực mà Lầu Năm Góc cần nghiên cứu. Quân đội Mỹ quá phụ thuộc vào GPS và một đối thủ thông minh như Nga hay Trung Quốc chắc chắn sẽ tấn công vào đường gân quan trọng đang kết nối các chiến dịch của quân đội Mỹ này.
Việc giải quyết những vấn đề này là quan trọng khi mà Hải quân Mỹ đang hướng tới cái gọi là "đám mây chiến thuật" - đây là nơi mà mỗi cảm biến, mỗi binh sĩ đều chia sẻ dữ liệu liên tục. Tuy nhiên, những mạng lưới như vậy rất dễ bị tấn công mạng và điện tử. Vì thế, ông Darrah nói cần phải làm nhiều hơn để đảm bảo tính xác thực của những thông tin trong "đám mây".
Mạng lưới là tương lai của chiến tranh hải quân, ông Darrah nhắc lại. Đồng thời, ông nói thêm thời gian dành cho từng cá nhân tác chiến sẽ ít có ý nghĩa hơn so với toàn bộ "đám mây chiến thuật".
Bảo Linh (National Interest)