Nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, ông đã gặp xui xẻo ngay khi khởi sự với nhiều đồng minh của Mỹ.
Ít nhất, điều này đã được biểu lộ ngay từ giờ sau khi có một số lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị trên thế giới - trong đó có một số là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ - đã lên tiếng phản đống ông Trump khi ông đề xuất cấm người Hồi giáo vào Mỹ.
Hôm qua, 11/12, một thành viên của hoàng gia Saudi thậm chí còn gọi ông Trump là một "nỗi ô nhục".
Nổi bật nhất có lẽ là Thủ tướng Anh David Cameron. Ông đã đưa ra lời tuyên bố hiếm hoi, chỉ trích phát biểu của ứng viên tổng thống đầy triển vọng đảng Cộng hòa, nói đó là "chia rẽ, vô ích và đơn giản là sai lầm".
Ông Trump cũng "đụng chạm" tới thị trưởng London khi bình luận rằng các bộ phận của London như thành trì của người Hồi giáo cực đoan và cảnh sát sẽ không làm gì họ. Thị trưởng Boris Johnson đã bác bỏ ý kiến của ông trùm bất động sản Mỹ, nói rằng bình luận này "hoàn toàn vô nghĩa".
Và, bản kiến nghị cấm ông Trump tới nước Anh đã thu được gần 600.000 chữ ký vào chiều qua, 11/12.
Anh là một trong những thành viên thân cận nhất của Mỹ và cộng tác với Mỹ về mọi mặt, từ các vấn đề thế giới cho tới những thông tin tình báo nhạy cảm.
Lãnh đạo đối tác quan trọng khác của Mỹ - Israel - cũng đã tách mình khỏi ông Trump. Ngay sau khi văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chối đề xuất trên (cấm người Hồi giáo vào Mỹ), ông Trump đã hủy chuyến thăm Israel và gặp ông Netanyahu vào tháng 12 này.
Tuyên bố hồi đầu tuần này từ văn phòng lãnh đạo Israel nêu rõ: "Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ phát biểu gần đây của ông Donald Trump về người Hồi giáo".
Ngoại trưởng nước láng giềng phía bắc của Mỹ cũng công khai phản bác những ý kiến của ông Trump. "Đó là điều mà chúng tôi không thể chấp nhận tại Canada", Ngoại trưởng Stephane Dion nói.
Tỷ phú Donald Trump đang khiến cả thế giới bất bình sau đề xuất "cấm cửa người Hồi giáo vào Mỹ". Ảnh: CNN |
Ông Trump cũng bị các đồng minh phương Tây, trong đó có các chính trị gia Pháp và Hà Lan phản đối. Thủ tướng Pháp nói ông Trump "đang làm gia tăng sự thù hận và hiểu lầm". Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders đã gọi những phát biểu của tỷ phú Mỹ là "rất vô bổ và phân biệt đối xử".
Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng so ông Trump với đảng dân tộc cực hữu của nước này. Nhưng ngay cả lãnh đảo của đảng này, bà Marine Le Pen cũng bác bỏ cách so sánh ấy.
"Đừng đùa, ông đã bao giờ nghe thấy tôi nói điều gì như vậy chưa?", bà Marine nói khi được hỏi về việc mình so sánh với ông Trump trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình, theo The New York Times. "Tôi bảo vệ tất cả người dân Pháp tại nước Pháp, cho dù họ có nguồn gốc nào, có tôn giáo nào", bà nói.
Và không chỉ có các nước phương Tây, nhiều ý kiến tại các nước Ả Rập và Hồi giáo cũng chống lại ông Trump.
Hôm qua (11/12), một thành viên của hoàng gia Saudi và là ông trùm kinh doanh đã đăng lên Tweeter rằng ông Trump là một "nỗi ô nhục".
"Donald Trump, ông là một nỗi nhục không chỉ với Đảng Cộng hòa mà còn cả nước Mỹ. Hãy rút khỏi cuộc đua tổng thống Mỹ đi vì ông sẽ không bao giờ thắng", Alwaleed Bin Talal viết.
Chuỗi doanh nghiệp trang trí nội thất có trụ sở tại Dubai, Lifestyle, đang cho loại bỏ tất cả các sản phẩn mang thương hiệu Trump khỏi 195 của hàng trên khắp Trung Đông, Bắc Phi, Pakistan và Tanzania. Tên và hình ảnh của ông Trump cũng bị bỏ khỏi dự án sân golf của ông ở Dubai trong bối cảnh ồn ào hiện tại.
Ông Trump cũng nhận được lời cảnh báo "không được chào đón" tại các nước Hồi giáo từ CEO của Qatar Airways, Akbar Al Baker. Người này từng nói với CNN rằng ông là bạn của ông Trump.
"Tôi có thể nói rằng với cương vị một người Hồi giáo, tôi cảm thấy không hài lòng với điều này, đặc biệt khi nó lại do một người bạn của tôi nói ra. Tôi không hy vọng ông ấy lại ngây thơ khi đưa ra những phát ngôn như vậy", ông Akbar nói.
Đề xuất này cũng đã khiến các nước không phải đồng minh của Mỹ "chạnh lòng". Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên án ông Trump, không nhắc đến tên ông, trong một cuộc họp quốc hội.
"Lấy cớ chống khủng bố, một số người đang đề xuất không cho phép người Hồi giáo tới nước của họ. Chúng ta rất tiếc trước những nhận xét về người Hồi giáo như thế này. Điều này diễn ra trong khi chính họ là một trong số những người đỡ đầu và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và họ đang hỗ trợ cho bọn khủng bố".
Ông Trump đang tiến hành đàm phán dũng cảm và có gây tiếng vang trên trường quốc tế trong chiến dịch tranh cử của mình, cam kết rằng dưới sự lãnh đạo của mình, mối quan hệ với các nước khác sẽ mạnh mẽ, vững bền.
Ông cũng vẫn kiên định với ý kiến cấm người Hồi giáo của mình, nói rằng điều này là bước đi cần thiết để đối mặt với chủ nghĩa khủng bố. Đề xuất của ông đã bị bác bỏ rộng rãi bởi các thành viên đến từ cả 2 đảng.
Bảo Linh (theo CNN)