Nghệ An – vùng đất đầy nắng và gió ở Bắc Trung Bộ nước ta đang là một điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Người ta nhớ đến Nghệ An với những địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng, những bãi cát trắng trải dài và khung cảnh thiên nhiên hoang sơ đẹp tựa tranh vẽ. Và còn một yếu tố níu chân du khách tới đây chính là ẩm thực xứ Nghệ.
Mỗi món ăn ở vùng núi dũng sông Lam này đều ngon theo một cách rất riêng mà du khách không thể tìm thấy hương vị này ở bất kì nơi nào khác. Ẩm thực xứ Nghệ cũng phản ánh thói quen ăn cay của con người nơi đây.
1. Cháo lươn Vinh
Lươn là đặc sản của Nghệ An và để có thể thưởng thức đúng vị cháo lươn, du khách thường tìm đường vào thành phố Vinh. Lươn được làm riêng, tẩm ướp gia vị đậm đà, xào chin tới để lươn không bị nát, khi ăn mới múc vào cùng cháo. Cháo nấu nguyên hạt, không xay nhuyễn như nhiều địa phương khác. Khi ăn, cháo sánh, trộn thêm lươn đã xào sẵn bên ngoài, thêm chút hành răm thái nhỏ cùng tiêu, ớt, ăn bát cháo lươn vào những ngày se lạnh thì còn gì tuyệt vời bằng.
Một bát cháo lươn sánh mịn níu chân nhiều du khách khi tới với Nghệ An |
2. Nhút Thanh Chương
Từ lâu, nhút Thanh Chương đã là một đặc sản “thương hiệu” của xứ Nghệ. Bất cứ ai tới thăm Nghệ An đều mong muốn có thể thưởng thức món ăn đặc biệt này.
Đặc sản nhút Thanh Chương |
Nhút là tên gọi người dân dùng để chỉ quả mít muối mặn, ăn với cơm, món nhút này cũng giống như món dưa muối của người dân miền Bắc vậy. Ở Nghệ An có nhiều nơi làm nhút nhưng chỉ có ở huyện Thanh Chương mới có món nhút ngon đúng chuẩn. Bởi lẽ huyện Thanh Chương nổi danh vì trồng được loại mít ngon nhất xứ Nghệ và vì vậy nhút ở đây cũng có mùi vị riêng biệt. Mỗi năm chỉ có một mùa mít nên nhút làm xong thường để dành ăn quanh năm.
Người ta hay xào nhút với thịt ba chỉ nêm ớt, đường, ăn với cơm nóng. Ngoài ra nhút còn được dùng để làm nộm tai heo hay đem nấu cùng canh cá chua. Dù chế biến cùng nguyên liệu nào, món ăn có nhút luôn “quyện” lại một mùi vị rất đặc trưng xứ Nghệ.
3. Tương Nam Đàn
Người ta vẫn có câu “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”, đã thưởng thức nhút Thanh Chương, không có lí do gì mà du khách lại có thể bỏ qua đặc sản tương Nam Đàn.
Tương là một trong những sản phẩm truyền thống của người dân Việt Nam và nghề làm tương tại Nam Đàn được gìn giữ và duy trì từ xưa đến nay. Nguyên liệu chính của tương Nam Đàn chính là loại đậu nành được trồng ở vùng bãi bồi bên bờ sông Lam, sau khi xay nhuyễn, đậu nành được đưa vào nấu liên tục từ 20-24 tiếng đồng hồ. Sau khi trộn muối, mốc (một loại men làm từ nếp hoặc ngô trộn với chè xanh, phơi khô) và nước sạch, trộn hỗn hợp một lần và ủ. Trong quá trình ủ, tương cũng được người chế biến kiểm tra và “đánh” tương. Tương khi “chín” có mùi thơm, màu và sánh như mật ong.
Tương Nam Đàn được làm rất tỉ mỉ, cẩn thận để có được thành phẩm ngon nhất |
4. Đặc sản Bánh mướt
Thoạt nhìn bánh mướt có hình dáng giống với bánh cuốn của miền Bắc nhưng khi ăn lại thấy rõ sự khác biệt. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, mềm mịn và trắng trong. Bánh được làm từ gạo tẻ và quy trình làm bánh thì cũng giống như bánh cuốn. Người ta chấm bánh mướt với nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ và thêm lát ớt cắt mỏng. Dù ngày nay người ta cách điệu bánh mướt đi đôi phần như dùng thịt lợn, mộc nhĩ để làm nhân hay dùng máy để xay bột thì bánh mướt vẫn giữ được cái hồn của món ăn đặc sản xứ Nghệ.
Có hình thức giống bánh cuốn nhưng bánh mướt vẫn giữ được mùi vị rất riêng |
Đâu cần phải đi đâu xa, trên đất nước ta cũng đã có rất nhiều nơi ẩm thực phong phú, đậm đà và dung dị như chính mảnh đất xứ Nghệ này vậy.
Hoàng Anh Tú