Washington đã mất một thời gian dài để dự đoán những bước đi của Nga song đều thất bại. Truyền thông Mỹ cho rằng điều này có thể đặt ra nguy cơ an ninh nghiêm trọng. Vậy lý do đăng sau thất bại của Mỹ là gì?
Tờ Washington Post cho rằng, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, bộ máy an ninh quốc gia Mỹ được bố trí rất nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm về Nga. Họ được tham vấn ở cấp cao nhất cho bất cứ quyết định nào được đưa ra có liên quan đến Moscow.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, bộ máy an ninh quốc gia lại đang dựa trên nền tảng lỏng lẻo được tạo thành từ những chuyên gia thiếu tầm hiểu biết đối với những quyết sách về Nga, Washington Post nhận định.
Kết quả là, về căn bản, Mỹ luôn bị động và bị Nga vượt mặt trong những động thái gần đây như việc sáp nhập bán đảo Crime, việc tham chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
"Chúng ta luôn bị bất ngờ trước bất cứ diễn biến nào từ phía Nga. Chúng ta bất ngờ khi họ vào Crimea, rồi lại bất ngờ khi họ đã hiện diện ở Syria", Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain nói với Washington Post.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng việc thiếu thốn các chuyên gia về Nga khiến Mỹ luôn khốn đốn trước những bước đi của Moscow. Ảnh: Internet |
Bắt đầu từ sáng kiến "đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình ở Syria" của ông Putin, cứu chính quyền Bashar al-Assad khỏi cuộc tấn công tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh năm 2013, Moscow khiến Washington ngày càng khốn đốn hơn trong việc dự báo.
Theo tờ báo này, việc cắt giảm tài trợ cho các chương trình giao lưu văn hóa với những nước thuộc Liên Xô cũ, cùng với sự "moi ruột" những chương trình tài trợ cho các nghiên cứu về sự phát triển của Nga, cũng như sự thiếu hụt kinh phí cho các khóa học ngoại ngữ tại các trường đại học, và hơn cả là sự góp phần của việc không thể thành lập một đội ngũ chuyên gia về Nga tại Mỹ chính là những nguyên nhân cốt yếu khiến Washington luôn bị động trước Moscow.
Ngoài ra, sự suy thoái đang diễn ra trong quan hệ hai nước cũng làm giảm thiểu các cơ hội cho những chương trình trao đổi văn hóa, đồng thời gây khó khăn cho các chuyên gia người Mỹ về Nga không có đất "dụng võ".
Các chuyên gia Mỹ cho rằng, để khắc phục triệt để tình trạng này, Mỹ cần phải thay đổi tư duy "càng ghét địch thì càng phải nghiên cứu về địch". Ảnh: AP |
Hơn nữa, mức độ tài trợ hiện tại cho vị trí chuyên gia về Nga tại các trường đại học và các viện nghiên cứu khiến cho công việc nghiên cứu về Nga không đủ sức hấp dẫn, Washington Post cho biết thêm. Sự xuyên tạc về văn hóa, truyền thống, bóp méo sai lệch lịch sử Nga của giới chức lãnh đạo ở Washington khiến sinh viên ở Mỹ không có hứng thú đối với việc học tiếng Nga và nghiên cứu văn hóa Nga.
"Một sai lầm được tạo ra cách đây 20 năm là người Mỹ đã xem thường sức mạnh của Nga, chỉ coi họ là một quốc gia suy yếu và đang ngày càng xuống dốc", ông Michael McFaul, một cựu đại sứ Mỹ tại Nga, nói với Washington Post.
"Chúng ta có thể tranh cãi về việc Nga là một cường quốc vĩ đại hay chỉ là một quốc gia trung bình. Tuy nhiên, thực tế rằng họ đang đứng trong top 5 của 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và là quốc gia hạt nhân hàng đầu trên thế giới hiện nay. Và với sự đầu tư mạnh về quân đội của Tổng thống Vladimir Putin, họ là một trong những cường quốc quân sự lớn nhất thế giới. Những xu hướng này sẽ không thay đổi trong vòng 20-30 năm tới", cựu đại sứ McFaul nhấn mạnh.
Lê Huyền (Sputnik)