Hôm 20/5, máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ đã thực hiện chuyến bay trinh sát trên các cơ sở mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Phía Trung Quốc đã 8 lần phát cảnh báo yêu cầu các phi công Mỹ rời đi.
Theo tin tức trên Reuters, phi cơ trinh sát của Mỹ trên khu vực Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở Biển Đông, với độ cao thấp nhất vào khoảng 4.570 m.
Hình ảnh ghi lại từ chiếc phi cơ trinh sát Mỹ cho thấy hoạt động xây dựng tại các bãi đã và các tàu hải quân Trung Quốc ở gần đó
Tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đoạn video cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép một doanh trại quân đội, tháp canh và một đường băng.
Đường băng dài 3.000 m có thể đi vào hoạt động đầy đủ đến cuối năm nay. Nó dài đến độ bất cứ máy bay nào trong quân đội Trung Quốc cũng có thể cất và hạ cánh trên đó.
Đồ họa mô phỏng cách máy bay Mỹ trinh sát nơi Trung Quốc cải tạo trên Biển Đông:
[mecloud]EmOkKozNJZ[/mecloud]
Ở điểm thấp nhất, máy bay Mỹ cách mặt nước khoảng 4.500m. Không lâu sau khi sau khi nhận được cảnh báo từ phía Trung Quốc, CNN đã nhìn thấy một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc tạo dựng cách bờ biển nước này tới 960km.
Hình ảnh từ máy quay giám sát của chiếc P8-A Poseidon cho thấy rõ radar cảnh báo sớm, doanh trại quân đội, tháp canh. Một số người gọi đây là tàu sân bay “không thể chìm”.
Từ trên phi cơ, phi công Matt Newman cho biết: “Mật độ các tàu qua lại đây rất dày đặc. Trung Quốc đưa tàu chiến và tàu cảnh sát biển tới khu vực này. Chúng được trang bị radar phòng không nên dễ dàng phát hiện và theo dõi hoạt động của chúng ta”.
Các phi công Mỹ trên chiếc Poseidon khi tuần tra gần nơi Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông. |
Bằng chứng rõ ràng nhất là phía Bắc Kinh đã 8 lần yêu cầu máy bay Mỹ rời khu vực. Khi thấy máy bay Mỹ chưa rời đi, ở đầu kia của đường dây liên lạc, một người đưa ra cảnh báo với giọng điệu tức tối: “Đây là Hải quân Trung Quốc. Hãy đi đi!”.
Trung Quốc đánh chiếm đá Chữ Thập của Việt Nam vào năm 1988 và hiện đặt nó dưới sự quản lý của cái gọi là "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là "Đường lưỡi bò", lên các vùng biển chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế theo luật pháp quốc tế của các quốc gia trong khu vực.
Xem thêm video máy bay trinh sát Mỹ tiến sát khu vực Trung Quốc cải tạo:
[mecloud]F5byVv2V2h[/mecloud]
Yên Yên (Reuters)