Một bức ảnh do Hải quân Mỹ công bố cho thấy, trong lúc đang thực hiện tuần tra tại vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của VN), chiến hạm USS Forth Worth Mỹ đã bị tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc đeo bám từ phía sau.
Trang web Navy.mil của Hải quân Mỹ ngày 13/5 cho biết, tàu USS Forth Worth (LCS-3) của Mỹ vừa hoàn thành chuyến tuần tra kéo dài 7 ngày tại vùng biển và không phận quốc tế ở Biển Đông, gần khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Trong thông cáo đăng trên trang Navy.mil, Fred Kacher, quan chức hải quân thuộc Liên đội Tàu khu trục 7, cho biết: "Là một phần trong việc tái cân bằng chiến lược của chúng tôi, nhằm đem những cỗ máy mới nhất với năng lực tốt nhất của hải quân tới Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, LCS đang hiện diện thường xuyên ở Đông Nam Á".
"Việc triển khai nhiều LCS đến Đông Nam Á thể hiện tầm quan trọng của 'khu vực đang trỗi dậy' và giá trị mà sự hiện diện lâu dài đem lại", ông Kacher nói.
Mặc dù USS Fort Worth đã nhiều lần di chuyển qua khu vực Biển Đông nhưng chuyến tuần tra này đánh dấu lần đầu tiên một tàu tác chiến cận bờ thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa.
Theo bức ảnh mà Hải quân Mỹ công bố, trong suốt thời gian tuần tra, USS Fort Worth bị tàu khu trục mang tên lửa dẫn đườngYancheng (Type 054A) của Trung Quốc bám theo.
Hình ảnh tàu Type 054A (khoanh tròn màu đỏ) của Hải quân Trung Quốc theo sát tàu USS Fort Worth. |
Khi phát hiện tàu Yancheng đang bám đuổi, USS Fort Worth đã ra tín hiệu nhắc nhở tàu Trung Quốc rằng tàu của Mỹ đang hoạt động tại vùng biển quốc tế.
Tuy nhiên, tàu Yancheng phớt lờ thông báo của Mỹ và tiếp tục đeo bám USS Fort Worth cho tới khi nó rời khỏi khu vực này.
Theo trang mạng Sina Military Network (trụ sở tại Bắc Kinh) cũng thừa nhận, mọi động thái của tàu USS Fort Worth trong chuyến tuần tra này đều được tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (Type 054A) Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.
Sina cho biết, chiếc tàu của Mỹ còn mang theo máy bay không người lái MQ-8B và trực thăng MH-60, tuy nhiên, một chiếc tàu tác chiến cận bờ sẽ không có hỏa lực đủ mạnh để tấn công tàu hộ vệ tên lửa như Yancheng.
Tuy nhiên tương tác giữa 2 tàu khá chuyên nghiệp và không có chuyện gì xảy ra, chỉ huy tàu Trung tá Matt Kawas cho biết.
Một thuyền trưởng khác thuộc Hạm đội 7, Fred Kacher nói rằng, là một phần trong chiến lược xoay trục để mang lại sức sống mới cho hải quân, có khả năng các tàu LCS sẽ hiện diện thường xuyên hơn ở Đông Nam Á. Những chuyến tuần tra Trường Sa như tàu USS Fort Worth vừa hoàn thành sẽ là hoạt động bình thường, và có 4 tàu LCS sẽ xuất hiện tại đây trong những năm tới.
Hình ảnh tàu hộ vệ tên lửa Yancheng (Type 054A) Trung Quốc do Hải quân Mỹ chụp lại. |
Trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn Reuters ngày 12/5 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đề nghị cấp dưới xem xét nhiều khả năng, trong đó có việc điều các phi cơ và tàu quân sự trong phạm vi khoảng 22 km xung quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cải tạo.
Chính quyền Bắc Kinh đã ngay lập tức có động thái phản ứng trước thông tin này.
Theo tin tức trên Tân Hoa xã, trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hung hăng tuyên bố Trung Quốc “vô cùng lo ngại” về việc Mỹ lên kế hoạch triển khai tàu chiến và máy bay quân sự tới gần khu vực Bắc Kinh xây đảo nhân tạo bất hợp pháp.
Bà Hoa Xuân Oánh một lần nữa đưa ra thông điệp cũ rích và nguy hiểm rằng khu vực này “thuộc chủ quyền của Trung Quốc” và Bắc Kinh “yêu cầu Washington không can thiệp” vào Biển Đông.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ cũng ngạo ngược khẳng định mọi hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông là “hợp pháp, hợp lý”.
Xem thêm video tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông:
[mecloud]Ok7n7EfI6N[/mecloud]
Yên Yên (Want China Times)