Lãnh đạo các nước Trung Quốc, Việt Nam và New Zealand được người dân đánh giá cao trong cuộc khảo sát 23 nền kinh tế với số điểm 86, 82 và 67 tương ứng. Trong khi đó Pháp, Hong Kong và Nhật Bản đứng cuối cùng với 14, 11 và 5 điểm tương ứng.
Khi nói đến điểm tổng các nước châu Á lại dẫn đầu và chỉ có 7 nền kinh tế là đạt hơn 50/100 điểm. Điểm tổng thể sẽ đánh giá 4 tiêu chí gồm sự lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp, cộng đồng và truyền thông. Trung Quốc 85, Việt Nam 77, Ấn Độ 59 trong khi Mỹ chỉ được 41, Anh 37 và Italy 36. Hong Kong, Pháp và Nhật Bản ở cuối bảng xếp hạng với số điểm tương ứng là 27, 26 và 16.
Tổ chức Blackbox Research của Singapore và nền tảng Toluna đã phối hợp thực hiện khảo sát đối với 12.592 người đến từ 23 quốc gia trên từ ngày 3-19/4. Người tham gia phỏng vấn có độ tuổi từ 18-80, sẽ tham gia trả lời phỏng vấn thông qua một bảng hỏi online. 2/3 số người được hỏi có trình độ đại học.
Trong khi chính phủ các nước phương Tây đang bị mất niềm tin của người dân trong cuộc chiến chống Covid-19, thì chỉ có New Zealand là ngoại lệ. Lãnh đạo của họ, Thủ tướng Jacinda Ardern đã cắt giảm sự lây lan của virus một cách hiệu quả và giành được sự khen ngợi từ cộng đồng quốc tế cũng như niềm tin của người dân trong nước.
Quan điểm của người dân bị chi phối bởi nhiều yếu tố: chính phủ lãnh đạo đất nước ra sao trong thời gian diễn ra dịch bệnh, sai lầm của chính phủ, sự quyết đoán cũng như đồng cảm của ban lãnh đạo đối với những người dân dễ bị tổn thương. Với những tiêu chí này, chính phủ Trung Quốc, Việt Nam và New Zealand đều được lòng dân.
Singapore ban đầu được khen ngợi trong việc xử lý dịch nhưng sau đó, sự gia tăng của các ca nhiễm trong ký túc xá dành cho lao động nhập cư, đẩy số ca nhiễm lên trên 20.000 đã bào mòn hình ảnh đất nước. Cảm tình của người dân dành cho chính phủ chỉ còn 41/100 điểm.
Vào đầu đợt bùng phát Nhật Bản có hơn 700 ca trên tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly tại Yokohama. Nhưng sau đó, Nhật Bản gặp phải làn sóng thứ hai và giờ đây, số ca nhiễm lên đến hơn 15.000. Thủ tướng Shinzo Abe đã phải tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đến cuối tháng 5. Tokyo bị coi là phản ứng chậm chạp. Do đó, niềm tin của công chúng vào giới lãnh đạo chính trị bị ảnh hưởng.