Nếu Nga triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-300 tới Syria thì đây thực sự là thách thức đối với Mỹ và đồng minh.
Theo một số phương tiện truyền thông, Moscow có thể đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-300 tới Syria. Tuy nhiên, các báo cáo chưa được xác nhận - các quan chức Nga không nói rõ những loại tên lửa họ đang triển khai - hay họ đang bổ sung thêm cho lực lượng của mình tại khu vực.
Tư lệnh không quân Nga, tướng Viktor Bondarev trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Komsomolskaya nói: "Chúng tôi đã nghiên cứu tất cả các mối đe dọa tiềm năng. Chúng tôi đã điều đi không chỉ máy bay chiến đấu, máy bay tấn công, máy bay ném bom, trực thăng mà còn cả các hệ thống tên lửa. Khi những trường hợp bất khả kháng khác nhau có thể xảy ra".
Chưa rõ ông Bondarev đang đề cập đến những vũ khí bổ sung hay một số tên lửa phòng thủ Pantsir-S1 mà Nga đã triển khai tới Syria.
Hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Nga. Ảnh: National Interest |
Nếu quân đội Nga đã triển khai một phiên bản trong loạt tên lửa Almaz-Antey S-300, điều này sẽ làm phức tạp hàng loạt chiến dịch không kích mà Mỹ và các đồng minh của họ đang tiến hành. Almaz-Antey hiện có 2 phiên bản là S-300PMU2 và S-300VM. Cả hai đều có tầm bắn hơn 120 dặm và có thể bắn tới các mục tiêu ở độ cao hơn 30.000m. Các tên lửa có thể bắn hạ nhiều mục tiêu cùng lúc.
Một phi công cấp cao của Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết dòng tên lửa S-300 là mối đe dọa chết người đối với tất cả mọi thứ, ngoại trừ những chiến đấu cơ tàng hình và máy bay ném bom tiên tiến nhất. "Kẻ thay đổi cuộc chơi hoàn toàn đói với tất cả các máy bay thế hệ thứ tư (như F-15, F-16 và F/A-18). Đó là một con quái vật mà bạn không muốn tới gần", người này nói.
Nếu người Nga đã triển khai S-300, hay tồi tệ hơn là hệ thống tên lửa phòng không đất đối không chiến lược S-400 tới Syria, nó có thể làm cho toàn bộ các khu vực nó ngự trị ở Syria trở thành vùng cấm bay đối với Mỹ và các đồng minh. Chỉ máy bay Lockheed Martin F-22 Raptor hoặc máy bay ném bom tàng hình Northrop Grumman B-2 Spirit của Không quân Mỹ là có thể hoạt động bên trong khu vực do những vũ khí này bảo vệ.
Nhưng ngay cả những máy bay trên cũng có thể gặp thách thức nếu ở đó có đủ các khẩu đội S-300 hoạt động như một phần của mạng lưới phòng không tích hợp. Số lượng chính xác và vị trí của S-300 sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Vấn đề sẽ phức tạp hơn bởi thực tế là hệ thống S-300 di động và có thể di chuyển theo thông báo trong chốc lát. "Nếu chúng được triển khai trên mỗi mét đất thì việc bạn đưa gì tới đó cũng chẳng còn nghĩa lý gì. Nó sẽ là một thách thức", một quan chức Không quân Mỹ nói.
Về mặt lý thuyết, Lockheed Martin F-35 Joint Strike Fighter mới hoạt động cũng có thể chống lại hệ thống tên lửa đất đối không chiến lược thế hệ mới của Nga - ít nhất đó là những gì mà Lầu Năm Góc đã nói. "Nó đã làm cực tốt trong việc có thể xâm nhập vào không phận mà những máy bay khác không thể và nó có thể sử dụng tác chiến điện tử để đánh bại kẻ thù và khả năng đất đối không. Đồng thời, nó cũng tự bảo vệ được bộ cảm biến của mình", Tướng Herbert "Hawk" Carlisle của Không quân Mỹ nói tại Hội nghị Hàng không và Không gian 2015 của Hiệp hội Không quân.
Bảo Linh (theo National Interest)