Chỉ vài năm trước, phương Tây vẫn không thể nghĩ rằng Nga sẽ thành công trong cải cách quân đội và chế tạo các loại vũ khí mới, thế nhưng thực tế lại một lần nữa chứng minh sai lầm của họ.
Sputnik dẫn kênh truyền hình Mỹ Vice News cho biết, chiến dịch của Nga ở Syria là một thành công chính trị cũng như quân sự. Lực lượng Không quân vũ trụ Nga (VKS) đã chứng tỏ những thành tựu trong lĩnh vực vũ khí mới và huấn luyện quân sự. Trong 6 tháng, chỉ có một máy bay bị bắn hạ, dù trước đây vài năm phương Tây tin chắc Nga có "vấn đề nghiêm trọng" về thực hành tác chiến.
"Nếu khi ấy có ai nói rằng vào năm 2016, họ (người Nga) sẽ khởi động một chiến dịch ở Syria, một đất nước xa xôi và với lực lượng Không quân được nâng cấp, sẽ tiến hành hoạt động không kích hàng tháng trời… sử dụng cả máy bay không người lái… Thì người ta sẽ cho đấy là câu chuyện khoa học viễn tưởng", nhà phân tích Michael Kofman, Trung tâm phân tích hải quân Mỹ đánh giá.
Chiến đấu cơ Su-25 của Nga tham chiến tại Syria. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Theo Vice News, Nga bắt đầu chương trình cải tổ quân đội sau cuộc chiến với Gruzia năm 2008. Moscow dự định đến năm 2020 sẽ thay thế 70% vũ khí, thiết bị quân sự đặc biệt.
"Mục tiêu đầy tham vọng này không hề là sự khoe khoang rỗng tuếch. Đó chính là "yếu tố quan trọng trong Chính sách đối ngoại của quốc gia lớn nhất địa cầu", dù đã mất đi sự hùng mạnh sau khi Liên Xô tan rã, theo Vice News.
Giờ đây, Nga đạt được những kết quả đáng kể về xây dựng lực lượng đào tạo chính qui, thêm vào đó là sự tăng cường sức mạnh không quân và hệ thống tên lửa phòng không.
Ở Syria, Moscow đã cho thấy độ tin cậy cao của các máy bay ném bom, bảo vệ không phận Syria bằng hệ thống tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu.
Cùng với đó, quân đội Nga trở nên đặc biệt cơ động, công tác chỉ huy và điều khiển hiệu quả hơn, đó là những thay đổi cực kỳ quan trọng trong quân đội.
Rất có thể, các bước làm tiếp theo trong việc cải cách các lực lượng vũ trang đối với Nga sẽ tốn kém và phức tạp hơn .Tuy nhiên, thành công ở Syria đã chứng tỏ, Nga đạt được những gì từ năm 2008, bài báo kết luận.
Lê Huyền (Sputnik)