Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến thăm chính thức đến Mỹ từ ngày 23 đến 25/2. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Biển Đông sẽ là nội dung trọng tâm trong chuyến thăm lần này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ có chuyến thăm chính thức đến Mỹ từ ngày 23 đến 25/2. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Biển Đông sẽ là nội dung trọng tâm trong chuyến thăm lần này. Theo nhận định của dư luận thế giới, trong bối cảnh Triều Tiên đang tăng cường thúc đẩy kế hoạch phát triển hạt nhân cũng như tình hình căng thẳng do vấn đề “quân sự hóa” tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ như hiện nay, chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Vương Nghị sẽ là chuyến thăm “đối đầu”.
Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/2 về chuyến thăm tới Mỹ lần này của Bộ trưởng Vương Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, trong vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên, thái độ và hành động của Trung Quốc luôn luôn rõ ràng. “Chúng tôi luôn kiên quyết duy trì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo, kiên trì bảo vệ hòa bình và ổn định bán đảo cũng như giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.” Trung Quốc ủng hộ nghị quyết mới của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Giai đoạn tiếp theo, các bên nên cùng nhau nỗ lực, giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua đàm phán, tìm kiếm con đường mới để thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo.
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và tình hình Biển Đông sẽ là nội dung trọng tâm của chuyến thăm lần này. Ảnh: Duowei |
Về vấn đề Biển Đông, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Mỹ “không phải quốc gia có liên quan đến vấn đề này”. Trung Quốc hy vọng đây không phải và cũng không nên là vấn đề “tranh đấu” giữa Trung Quốc và Mỹ. Trước khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng Vương Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner ngày 22/2 nhấn mạnh, Mỹ “hy vọng Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt các hành động quân sự hóa tại khu vực Biển Đông. Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực với mục đích khiến Trung Quốc từ bỏ “giấc mơ” quân sự hóa Biển Đông”.
Trong một bài báo của hãng thông tấn Đức Deutsche Welle có viết: Trong bối cảnh “đối đầu” nhau về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và vấn đề quân sự hóa ở Biển Đông, chuyến thăm lần này của ông Vương Nghị liệu có thể khiến lập trường của hai bên “gần nhau hơn”? Trước đó, Trung Quốc đã bày tỏ thái độ không hài lòng khi Mỹ đưa hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao đến Hàn Quốc nhằm đối phó với những “khiêu khích” của Triều Tiên. Hành động triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cùng các cơ sở quân sự phi pháp trên đảo Phú Lâm (Thuộc quần đảo Hoàng Sa-Việt Nam) cũng đã “chọc giận” Mỹ.
Mỹ coi những hành động này của Trung Quốc là những hành vi “quân sự hóa” khu vực Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ hai bên sẽ hội đàm về những vấn đề này. Phó đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ, đã phát biểu với báo chí tại Sydney trong chuyến thăm Úc: Khu vực sẽ có lợi ích nhiều hơn nếu Úc và các nước khác đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp ở biển Đông như Mỹ đã làm. Ông Aucoin cũng cho biết: “Chúng tôi không thay đổi những gì chúng tôi đã làm… Đó là giám sát để các tuyến đường biển thông suốt”. Ông khẳng định Mỹ thực hiện các quyền được luật pháp quốc tế thừa nhận chứ không phải là hành động khiêu khích và ông không mong hành động bảo đảm tự do hàng hải được xem như Mỹ đối đầu với Trung Quốc.
Mỹ cho rằng, từ khi Kim Jong-un nối nghiệp cha đến nay, Triều Tiên luôn luôn cố gắng không để Trung Quốc "phiền lòng" . Hành động Triều Tiên thử bom “nhiệt hạch” cũng như phóng vệ tinh mang tên “Kwangmyongsong 4” đã đưa Trung Quốc vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan. Một bên là “láng giềng không nghe lời”, một bên là Mỹ-với tham vọng lập lại trật tự châu Á. Quan hệ Trung-Triều đi xuống và có dấu hiệu “bất đồng” lần đầu tiên trong lịch sử. Trung Quôc từng kết “tình đồng chí” với Triều Tiên, từng cấp cho Triều Tiên khoản trợ cấp khổng lồ trong giai đoạn “chống Mỹ che Triều”.
Nhưng, với tình hình hiện tại, giới truyền thông cho rằng, Trung Quốc không thể “vô tư” mãi như vậy được. Nhưng, nhiều học giả Trung Quốc nhận định, Trung Quốc sẽ không từ bỏ Triều Tiên nhằm bảo vệ những lợi ích của mình. Tuy nhiên, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa vệ tinh, Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ những hành động mang tính trừng phạt của Liên hợp quốc dành cho Triều Tiên, nhưng cũng không có hoạt động trừng phạt cụ thể nào.
Nghiêm Thu (Duowei)