Bắc Kinh đã triển khai phi pháp máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa trên Biển Đông, Diplomat đưa tin từ truyền thông Trung Quốc.
Bắc Kinh đã triển khai phi pháp máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa trên Biển Đông, Diplomat dẫn tin từ truyền thông Trung Quốc. Ảnh: Diplomat/hải quân Mỹ. |
Diplomat dẫn tin tức từ truyền thông Trung Quốc cho biết, nước này đã triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-11BH/BHS đến đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, tên tiếng Anh: Woody).
Thông tin trên đã được các báo Việt Nam Vietnamplus, Vietnamnet, Vtc đăng tải.
Chưa rõ số lượng các máy bay chiến đấu và thời gian các máy bay này sẽ lưu lại đây. Tuy nhiên, Diplomat đưa nhận định của chuyên gia quốc phòng Đài Loan Alexander Huang, khả năng các máy bay này sẽ không ở lại lâu do điều kiện khí hậu trên Biển Đông không phù hợp với việc bảo dưỡng và duy trì hoạt động của phương tiện.
Các chiến đấu cơ J-11BH/BHS trên có khả năng thuộc Sư đoàn Không quân số 8 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đóng quân tại tỉnh Hải Nam. PLAAF hiện vận hành gần 260 chiếc J-11 các loại trong đó, J-11BH/BHS ra đời dựa trên thiết kế của máy bay Sukhoi-Su 27.
Hồi đầu tháng 11, Nhật báo Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết các máy bay J-11BH/BHS được trang bị tên lửa đã thực hiện các cuộc diễn tập “chiến thuật không chiến thực tế” trên Biển Đông. Sự việc diễn ra khi trước đó, ngày 27/10, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đã đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen vào tuần tra tại khu vực 12 hải lý quanh đá Xubi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo đảo trái phép trên Biển Đông.
Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam và thành lập trái phép cái gọi là "thành phố Tam Sa". Đây là nơi duy nhất của Hoàng Sa có sân bay hiện dài khoảng 3.000 mét có thể phục vụ máy bay hoạt động.
Các chiến đấu cơ được đưa đến đảo Phú Lâm có thể mở rộng tầm hoạt động trên Biển Đông tới 360 km, gây khó khăn cho các máy bay do thám Mỹ đang hoạt động trên Biển Đông.
Hành động phi pháp, vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc ở Hoàng Sa đã từng bị Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối.
Linh Mai (tổng hợp)