Theo CNN, trong cuộc họp báo ngày hôm 13/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố châu Âu là 'tâm chấn mới của đại dịch Covid-19'.
Ông Tedros lưu ý châu Âu hiện có số ca nhiễm và trường hợp tử vong vì COVID-19 nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại, không tính Trung Quốc đại lục.
Tính đến nay, SARS-CoV-2 đã làm chết hơn 5.000 người khắp thế giới và lây nhiễm cho hơn 137.000 người. Ông Tedros lưu ý số người chết vượt qua 5.000 là "cột mốc bi thảm".
Cũng trong buổi họp báo, bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị về những căn bệnh mới của WHO, cho biết hiện vẫn chưa thể dự đoán được đại dịch COVID-19 sẽ phát triển như thế nào.
"Chúng tôi không thể nói khi nào dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh trên toàn cầu rồi từ đó số nhiễm sẽ giảm dần”, bà Kerkhove lưu ý. Trước đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 12/3 tuyên bố đỉnh dịch COVID-19 đã qua đối với nước này sau khi số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, WHO cho rằng các quốc gia cần phải có "biện pháp toàn diện".
Trong những ngày gần đây, châu Âu liên tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới do dịch COVID-19. Trong đó, tình hình nghiêm trọng nhất là ở Italy, nơi đã có 15.113 ca nhiễm và 1.016 ca tử vong, tiếp đến là Tây Ban Nha với 4.334 ca nhiễm và 122 ca tử vong.
Cũng trong ngày 13/3, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một loạt biện pháp nhằm hạn chế tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ phân bổ khoảng 40 tỉ USD để giúp các quốc gia trong khối ứng phó với cuộc khủng hoảng do COVID-19, cùng với đó là nới lỏng các quy định chi tiêu và vay tiền dành cho các thành viên EU, với hy vọng sẽ giúp được các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn châu Âu vượt qua tình hình khó khăn hiện tại.