Có nhiều loại thực phẩm để trong tủ lạnh làm giảm giá trị dinh dưỡng và khiến chúng bị hỏng nếu để trong thời gian dài. Trên thực tế, có nhiều loại thực phẩm chỉ nên được bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ bình thường, không nhất thiết phải để trong tủ lạnh.
Dưới đây là 11 loại thực phẩm bạn không nên cho vào tủ lạnh:
1. Bánh mì
Theo Indiatimes, bánh mì là thực phẩm không nên để trong tủ lạnh do các tinh bột trong bánh sẽ kết tinh lại rất nhanh ở nhiệt độ mát, khiến bánh mì nhanh hỏng hơn. Ngoài ra, để bánh mì trong tủ lạnh còn khiến bánh dai và thiu nhanh hơn.
Theo tomsguide, nên bảo quản bánh mì trong loại hộp được làm từ thép không gỉ, kim loại được thiết kế riêng để đựng bánh mì. Loại hộp này giúp bảo quản bánh tối đa trong vòng 1 tháng. Trước khi bảo quản, bánh mì mua ở cửa hàng cầ được bọc trong túi kín khí, trong khi bánh mì tươi nên được bọc kỹ trong màng bọc thực phẩm.
2. Khoai tây
Khoai tây và khoai lang là hai trong số các loại thực phẩm nên để ở nhiệt độ bình thường. Nếu để trong tủ lạnh, nhiệt độ lạnh có thể khiến tinh bột nhanh chóng chuyển thành đường, khiến khoai cứng hơn hoặc ngọt hơn. Thay vào đó, hãy bảo quản khoai tây trong giỏ hoặc tủ thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp. Để khoai tây trong túi giấy cũng là một ý kiến không tồi. Tuy nhiên, bạn không nên để khoai tây trong túi nilon.
3. Cà chua
Cà chua cũng là một loại thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh. Cà chua sẽ tiếp tục chín ở nhiệt độ bình thường, do đó, việc để cà chua vào tủ lạnh sẽ khiến quá trình tự chín bị dừng lại đồng thời làm giảm hương vị của quả cà chua. Ngoài ra, nhiệt độ tủ lạnh làm hỏng vỏ cà chua, khiến cà chua bị chảy nước. Vì vậy, nếu bạn muốn có những quả cà chua tươi ngon hãy để ở nhiệt độ thường, tránh ánh nắng trực tiếp.
4. Mật ong
Mật ong là sản phẩm tự nhiên nên không cần bảo quản trong tủ lạnh. Ngoài ra, nhiệt độ lạnh sẽ làm cho nó kết tinh, làm cho nó trở nên cứng hơn. Cách đơn giản là chỉ cần để mật ong trong hũ thủy tinh và để ở trong phòng với nhiệt độ bình thường.
5. Dưa chuột, dưa hấu
Các loại hoa quả như dưa chuột, dưa hấu cũng không nên để trong tủ lạnh. Nếu để trong tủ, nhiệt độ lạnh sẽ làm thay đổi hương vị, kết cấu và màu sắc của các loại quả trên. Dưa hấu nguyên quả nên để ở nhiệt độ phòng. Bạn chỉ nên để trong tủ lạnh khi dưa hấu đã chín và cắt thành miếng khi có nhu cầu ăn lạnh. Hãy đảm bảo rằng, miếng dưa được bọc bằng màng bọc thực phẩm hoặc để vào hộp giấy kín trước khi cho vào tủ lạnh. Cách làm này được áp dụng cho cả xoài và ớt.
6. Quả bơ
Đừng bảo quản bơ trong tủ lạnh. Khi bạn mua chúng từ cửa hàng tạp hóa, chúng vẫn còn cứng và cần vài ngày để chín trước khi ăn. Những thứ này chỉ có thể chín ở nhiệt độ phòng, vì vậy tốt nhất nên để ngoài tủ lạnh. Ngoại lệ duy nhất là khi một quả bơ đã chín hoàn toàn và bạn chưa sẵn sàng ăn nó, có thể để vào tủ lạnh nhưng nên ăn trong vòng 2 - 3 ngày.
7. Tỏi
Do môi trường ẩm ướt trong tủ lạnh, tỏi sẽ dễ bị mốc. Không những thế, để tỏi lâu trong tủ lạnh cũng có thể khiến các tép tỏi bị nhão, hỏng. Cách tốt nhất là bảo quản tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát, không nên để tỏi trong túi nilon.
8. Dâu tây
Dâu tây sẽ ngấm nước hoặc hoặc hỏng, mất đi vị ngọt nếu để trong tủ lạnh. Cách tốt nhất là để dâu tây ở nhiệt độ thường, tránh ánh nắng trực tiếp.
9. Hành tây
Đừng bao giờ bảo quản hành tây trong tủ lạnh. Điều này sẽ tạo thêm độ ẩm, khiến chúng có bị nhão và mốc. Cách tốt nhất là bạn nên bảo quản hành tây ở nơi thoáng mát.
10. Cà phê
Cà phê để trong tủ lạnh sẽ làm mất hương vị của chúng. Thay vào đó, hãy bảo quản cà phê của bạn ở nhiệt độ phòng, nơi lý tưởng nhất là nên để trong tủ bếp.
11. Các loại thảo mộc tươi
Tương tự như cà phê, các loại thảo mộc tươi sẽ nhanh chóng mất mùi thơm khi cho vào tủ lạnh. Ngoài ra, nhiệt độ lạnh sẽ khiến chúng nhanh bị héo, khô hoặc mất hương vị.