Lũ lụt tại các khu vực như Giang Tây, An Huy, Hồ Bắc và Hồ Nam đã khiến 31 người thiệt mạng hoặc mất tích, buộc khoảng 2,4 triệu người phải sơ tán. Khoảng 151.000 ngôi nhà bị hư hại và gây thiệt hại kinh tế trực tiếp lên đến 64,39 tỷ nhân dân tệ (9,19 tỷ USD). Số người thiệt mạng hoặc mất tích do lũ lụt thấp hơn 82% so với mức trung bình trong cùng kỳ 5 năm qua, trong khi thiệt hại kinh tế trực tiếp giảm 5,9%, theo Bộ Quản lý Khẩn cấp.
>> Xem thêm: Lũ lụt tại 2 nước láng giềng Trung Quốc khiến gần 200 người thiệt mạng
Kể từ tháng 6, những trận mưa lớn liên tục đã phá hủy các khu vực rộng lớn ở miền nam Trung Quốc. Nước tại nhiều con sông ở những khu vực bị ảnh hưởng đã vượt mức cảnh báo. Hồ Sào, hồ nước ngọt lớn thứ 5 Trung Quốc nằm ở tỉnh An Huy đã ghi nhận mức nước cao kỷ lục vào ngày hôm qua sau mưa lớn. Mực nước tại các trạm thủy văn Zhongmiao và Tangxi của Hồ Sào lần lượt đạt 12,82m và 12,77m vào lúc 11h sáng 19/7, đều cao hơn so với mức kỷ lục thiết lập vào tháng 7/1991, theo các quan chức kiểm soát lũ lụt của tỉnh. Để giảm áp lực lũ trong lưu vực thoát nước của hồ Sào, chính quyền địa phương đã bắt đầu đưa nước vào khu vực lưu trữ dự phòng với dung tích 230 triệu m3 vào tối 18/7. Đến sáng 19/7, các nhà chức trách đã chặn một con sông chảy vào hồ và tiếp tục bơm nước vào sông Dương Tử.
Lưu vực thoát nước của Hồ Sào, với diện tích khoảng 13.486 km2 có số dân lên tới 10,2 triệu, thuộc 5 thành phố bao gồm Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy. Từ 10/6-19/7, lượng mưa trung bình tại Hợp Phì đạt 745mm, gấp 3 lần mức bình thường và chỉ thấp hơn mức kỷ lục năm 1991. Tỉnh An Huy đã kích hoạt ứng phó khẩn cấp ở mức cao nhất để kiểm soát lũ do tình hình nghiêm trọng. Tổng cộng 35 con sông và hồ tại tỉnh này, bao gồm sông Dương Tử và Hoài Hà đã có mức nước vượt mức cảnh báo vào chiều 18/7. Từ ngày 2/7, mưa lớn liên tục đã ảnh hưởng tới 3,64 triệu dân và buộc 606.000 người trong tỉnh phải sơ tán.
>> Xem thêm: Lũ cuộn như thác ở Trùng Khánh, Trung Quốc sắp tuyên bố 'Hồng thủy số 2'
Tuy nhiên, lũ số 2 trên sông Dương Tử trong năm nay đã đi qua đập Tam Hiệp một cách êm ả khi mà lưu lượng nước vào hồ giảm. Hồ chứa Tam Hiệp đã chứng kiến lưu lượng là 46.000 m3/giây vào lúc 8h tối 19/7. Trước đó, lúc 8h sáng 18/7, lưu lượng nước đạt được là 61.000 m3/giây và kéo dài 18 tiếng. Vào lúc 8h tối 19/7, mực nước trong hồ chứa Tam Hiệp đã đạt 164,18m, mức kỷ lục trong mùa lũ kể từ khi đập được xây dựng. Trước đó, mức nước cao nhất được ghi nhận là 163,11m. Theo Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, vào lúc 2h chiều 19/7, con đập đã tích trữ 14 tỷ m3 nước lũ trong mùa lũ chính năm nay.