(Tinmoi.vn) Ngay sau khi Ấn Độ và Việt Nam đồng ý để Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC được khai thác dầu tại khu vực biển Đông, Bắc Kinh đã giở trò và đưa giàn khoan dầu tới khu vực này để đòi chủ quyền.
Giàn khoan HD-981 đặt bất hợp pháp tại vùng biển Việt Nam
Ngày 1/5, Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc CNOOC bất ngờ đưa giàn khoan dầu HD-981 tới địa điểm cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý. Và đó là địa điểm nằm trong khu đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Điều này đã châm ngòi cho những căng thẳng mới trong khu vực biển Đông.
Các động thái của Trung Quốc khiến các nước Đông Nam Á phản ứng gay gắt. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì và nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan dầu cùng số lượng lớn tàu thuyền, kể cả tàu quân sự vào hoạt động tại khu vực lô 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam là đi ngược lại với luật pháp và thông lệ quốc tế. Động thái này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền, thẩm quyền với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
The Economic Times cũng dẫn nguồn tin chính phủ Việt Nam: “Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này”.
Nguồn tin chính phủ Ấn Độ bày tỏ ngạc nhiên về hành động của Trung Quốc trong vùng lãnh hải Việt Nam đặc biệt là sau khi Tập đoàn dầu khí Ấn Độ quyết định tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam.Việt Nam đã đề nghị ONGC Videsh (OVL) tiếp tục thăm dò thêm 5 lô nữa. Công ty này sẽ chỉ chọn để thăm dò 1 trong số 5 lô trên và sẽ chỉ thuê thêm 2 lô mới. Tất cả các lô trên được Việt Nam cung cấp cho Ấn Độ mà không trải qua đấu thầu.
Tháng 11 năm ngoái, ONGC đã ký một thỏa thuận với PetroVietnam để thúc đẩy hợp tác chung trong lĩnh vực dầu khí. Việt Nam là một trong những đối tác của ONGC Videsh. Cần phải nhắc lại, trước đó, Trung Quốc từng phản đối sự hiện diện sự có mặt của Ấn Độ tại các lô dầu của Việt Nam nhưng OVL vẫn tiếp tục duy trì hợp tác với Việt Nam, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định trong quá trình điện đàm, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử xác nhận chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa và chủ quyền, thẩm quyền với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đất nước theo quy định trong Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) đã ửi thư trực tiếp cho Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Hải Dương – Trung Quốc (CNOOC) và yêu cầu chấm dứt hoạt động dầu khí tại đây, theo nguồn tin từ chính phủ Việt Nam.
Các chuyên gia quân sự nói rằng Quân đội Nhân dân Trung Quốc có lẽ sẽ sớm xây dựng một sân bay quân sự tại đảo Đá Gạc Ma để tăng ảnh hưởng tại khu vực biển Đông.
Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông với lập luận đây là điều “vốn có”, “không thể chối cãi” trong lịch sử. Nhưng tuyên bố của Trung Quốc rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và làm đảo lộn luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982. Tuyên bố của Trung Quốc đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế và trở thành trở ngại lớn cho việc hòa giải tranh chấp trong khu vực.
Bảo Linh (Theo The Economic Times)