(Tinmoi.vn) Mặc dù tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã đưa ra những bằng chứng xác thực cho thấy các tàu Trung Quốc liên tiếp đâm vào tàu Việt Nam song, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cheng Guoping vẫn nói rằng việc tàu của nước này đâm tàu Cảnh sát biển Việt Nam không phải là “cuộc đụng độ”.
Mặc dù tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã đưa ra những bằng chứng xác thực cho thấy các tàu Trung Quốc liên tiếp đâm vào tàu Việt Nam song, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cheng Guoping vẫn nói Trung Quốc và Việt Nam có thể giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình và sự cố giữa 2 quốc gia xảy ra hồi đầu tuần này tại khu vực tranh chấp trên biển Đông không phải là một “cuộc đụng độ”.Ông Cheng nêu ý kiến của mình với các phóng viên bên lề một diễn đàn tại Bắc Kinh.
Trước đó, ngày 7/5, Việt Nam đã mở cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Trong cuộc họp báo, Bộ ngoại giao Việt Nam đã công bố tin Trung Quốc cho tàu tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam khiến tình hình biển Đông ngày một căng thẳng.
Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao cho biết: “Ngày 4/5, tàu Trung Quốc đã cố tình đâm 2 tàu cảnh sát biển của Việt Nam. Tàu của Trung Quốc với sự yểm trợ không lực đã tìm cách đe dọa tàu thuyền Việt Nam”. Phía Trung Quốc còn sử dụng cả vòi rồng khiến 6 thủy thủ Việt Nam bị thương.
Phản ứng trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam trái phép và cho tàu tấn công tàu Việt Nam, cộng đồng quốc tế đều tỏ ra quan ngại và chỉ trích gay gắt.
Theo Reuters, bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ ngày hôm qua cho biết: “Với lịch sử căng thẳng trên biển Đông trong thời gian gần đây, việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan dầu vào khu vực biển đang tranh chấp là hành động gây hấn và không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Chúng tôi quan ngại trước những hành động hăm dọa và gây nguy hiểm cho tàu thuyền trong khu vực tranh chấp”.
Trước đó, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết Mỹ đang xem xét vấn đề này và kêu gọi sự thật trọng từ các bên liên quan. Trả lời phỏng vấn Reuters trong chuyến thăm Hồng Kông, ông nói: "Chúng tôi tin rằng điều thực sự quan trọng là mỗi bên tuyên bố chủ quyền cẩn trọng và kiềm chế. Nền kinh tế toàn cầu đã quá mong manh và sự ổn định khu vực là rất quan trọng, không thể chịu rủi ro vì lợi ích kinh tế ngắn hạn".
Tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain khẳng định việc làm của Trung Quốc là trái luật pháp quốc tế và Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về cách hành xử hung hăng của mình.
"Quyết định đặt giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và triển khai hàng chục tàu hải quân hộ tống của Trung Quốc là hành động khiêu khích, gây ra tình trạng leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Tàu Trung Quốc bao vây và đâm tàu biển Việt Nam thể hiện sự quấy rối hung dữ trên biển. Không có gì nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm đầy đủ cho hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng này".
Trong bài phát biểu tại một cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ở Brussels, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bình luận: "Phương pháp tiếp cận chính sách đối ngoại của Trung Quốc và sự bành trướng quân sự của nước này trở thành mối quan tâm của cộng đồng quốc tế trong đó có Nhật Bản”.
Mở rộng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là "thiếu minh bạch" và các nước Đông Nam Á cũng đang gia tăng chi tiêu cho quốc phòng để ứng phó với Trung Quốc, ông Abe nói.
"Một lần nữa, Nhật Bản mạnh mẽ kêu gọi kiểm soát xuất khẩu vũ khí, hàng hóa và công nghệ 2 tác dụng nhạy cảm một cách nghiêm ngặt để đảm bảo chúng không trở thành yếu tố bất ổn trong khu vực”.
Ông Abe cho biết Trung Quốc thường xuyên có những hành động đơn phương nhằm thay đổi tình trạng ở biển Hoa Đông và biển Đông bằng “vũ lực hoặc cưỡng ép”.
"Là một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực, Nhật Bản sẽ tiếp tục kiềm chế", ông nói. "Đồng thời, Nhật Bản sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật và bảo vệ trật tự hàng hải trong đó có tự do hàng hải cũng như quyền tự do hàng không”.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng khẳng định: “Hành động của Trung Quốc đang làm tăng căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi rất quan ngại về điều này. Các bên liên quan cần tránh những hành động đơn phương trên biển Đông”.
Bảo Linh (Theo Reuters/japannews/kyodo)