Giới chức Australia hôm 2/12 cho biết phân tích mới xác nhận họ có thể đang tìm kiếm tại đúng vị trí máy bay Malaysia mất tích - MH370.
Một mảnh cánh máy bay được tìm thấy trên đảo Reunion. Ảnh: AP |
Tờ Washington Post đưa tin các dụng cụ dò tìm đã quét qua khu vực rộng 120.000 kilomet vuông ở Ấn Độ Dương từ năm ngoái nhưng vẫn chưa thấy bất cứ dấu vết nào của chuyến bay MH370. Hồi tháng 7, một vạt cánh máy bay được tìm thấy ở phía bên kia Ấn Độ Dương, trôi dạt vào đảo Reunion của Pháp.
Phân tích mới do một cơ quan của Bộ Quốc phòng Australia thực hiện đã khẳng định "xác xuất cao nhất" vị trí cuối cùng của chiếc máy bay là ở vùng tìm kiếm hiện tại, chính phủ tuyên bố.
Phó thủ tướng Australia Warren Trus cho biết phân tích mới đã chỉ ra chiếc máy bay có khả năng rơi ở phía nam của khu vực tìm kiếm hiện tại, vì vậy, những người tìm kiếm sẽ tập trung vào vị trí đó và mở rộng một chút ranh giới khu vực tìm kiếm ở đó.
"Chúng tôi vẫn hy vọng, lạc quan cho rằng chúng tôi sẽ xác định được vị trí chiếc máy bay. Có khoảng 44.000 kilomet vuông vẫn chưa được tìm kiếm ở trong khu vực ưu tiên mới này", ông Truss nói.
Ông cũng cho biết phân tích mới đã sử dụng một phương pháp khác biệt nhưng cho ra những kết luận tương tự về vị trí tìm kiếm. Điều này đã đưa ra "sự khuyến khích thực sự" cho các nhà chức trách rằng họ đã đi đúng hướng.
Ông nói rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa 1 con tàu và 20 triệu đô la Úc (khoảng 14,6 triệu USD) để hỗ trợ cho nỗ lực tìm kiếm. Đây là đóng góp về tài chính đầu tiên của họ.
"Chúng tôi đặc biệt biết ơn cam kết này của Trung Quốc bởi nó sẽ giúp đảm bảo hoạt động có đủ tài chính", ông Truss cho biết.
Nhìn tổng thể, cuộc tìm kiếm dự kiên sẽ ngốn 180 triệu đô la Úc. Australia đã góp 60 triệu AU, Malaysia góp 100 triệu AU.
Chiếc Boeing 777 biến mất cùng 239 người ngày 8/3/2014 khi đang bay từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh. Các nhà chức trách vẫn chưa thể lý giải nổi tại sao nó biến mất và biến mất như thế nào. Trong số những người trên máy bay có tới 153 người mang quốc tịch Trung Quốc.
Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, trải rộng trên hơn 1.800 kilomet vuông về phía tây nam Australia. Những con tàu sử dụng sonar và thiết bị không người lái dưới nước gắn camera đã lùng sục hơn 70.000 kilomet vuông dưới biển.
Bảo Linh (theo Washington Post)