Hơn một nửa dân số Scotland muốn trưng cầu dân ý tách khỏi Anh, trong Bắc Ireland cũng muốn thống nhất với Ireland, với mong muốn giữ lại tư cách thành viên ở EU.
Theo kết quả cuộc khảo sát của Panelbase đăng trên tạp chí The Sunday Times, có tới 52% người được hỏi ủng hộ Scotland tách khỏi Vương quốc Anh, trở thành quốc gia độc lập, trong khi 48% còn lại phản đối điều này. Trong khi đó, vào năm 2014, số người phản đối là 55%.
Phát biểu sau cuộc họp chính quyền khẩn cấp ngày 25/6, Thủ hiến Nicola Sturgeon nhấn mạnh, nhiều khả năng Scotland sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập để có thể tiếp tục ở lại EU như mong muốn của hầu hết người dân.
Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tại Anh, 62% người dân Scotland muốn được ở lại "ngôi nhà chung" EU.
Việc Anh rời khỏi EU nhiều khả năng sẽ mở đường cho sự sụp đổ của Vương quốc Liên Hiệp Anh. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, đảng dân tộc chủ nghĩa lớn nhất Bắc Ireland là Sinn Fein cho rằng, việc Anh ra khỏi EU là dịp để tiến hành trưng cầu về thống nhất Bắc Ireland và Ireland.
"Điều đó có nghĩa là Chính phủ đã mất quyền đại diện cho lợi ích của Bắc Ireland", Chủ tịch Sinn Fein Declan Kearney nhận định.
Vương quốc Liên Hiệp Anh hợp thành từ 4 nước gồm Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland. Giới chuyên gia từng nhận định, việc Anh rời khỏi EU sẽ "châm ngòi" cho sự tan rã của Vương quốc Liên Hiệp Anh.
Trước đó, các thành viên dân tộc chủ nghĩa Bắc Ireland đã cảnh báo rằng nếu Anh tách khỏi EU, họ sẽ nỗ lực thực hiện trưng cầu dân ý về thống nhất với Ireland trong thành phần EU.
Hôm 25/6, EU thông báo đã bổ nhiệm ông Didier Seeuws, người Bỉ và là cố vấn lâu năm của cựu Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, đứng đầu nhóm phụ trách đặc biệt để đàm phán về việc Anh rời khỏi EU. Ủy ban châu Âu cũng đã thành lập "Nhóm phụ trách Điều 50" để chuẩn bị các đề xuất pháp lý cho việc Anh chấm dứt tư cách thành viên EU.
Lê Huyền (tổng hợp)