(Tinmoi.vn) Hôm 6/7, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông đăng bài bình luận cho rằng, nếu Trung Quốc "mạnh tay", nước này sẽ trở thành một quốc gia đáng ghét và người Trung Quốc sẽ phải xấu hổ khi du lịch hoặc sinh sống ở những nước có xung đột với quốc gia họ.
Tác giả của bài bình luận trên Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) - hai nhà phân tích Alex Woo và Tsim Sha Tsui nhận định, Trung Quốc phải giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua trọng tài quốc tế.
Hai tác giả dẫn lại bản tin "Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi phát triển hòa bình trên biển" đăng trên cùng tờ báo ngày 22/6, trong đó Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố trong chuyến thăm Hy Lạp rằng, Trung Quốc sẽ "kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, chống lại bất kỳ hành động bá quyền nào trong vấn đề hàng hải". Ông Cường nói: "Hợp tác phát triển đại dương đã giúp nhiều quốc gia hưng thịnh, trong khi xung đột trên biển chỉ gây ra thảm họa cho nhân loại".
Tại một diễn đàn ở Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố, Trung Quốc sẽ không chấp nhận đánh đổi lợi ích cốt lõi của mình, và không có chuyện Trung Quốc nuốt trái đắng làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển.
Giàn khoan Hải Dương 981 cùng tàu hộ tống phi pháp của Trung Quốc trong vùng thềm lục địa Việt Nam
Hai tác giả Alex Woo và Tsim Sha Tsui bình luận, thật khó hiểu khi Trung Quốc cố tình tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông mà không dựa trên cơ sở nào, chỉ nói rằng những hòn đảo đó "về mặt lịch sử thuộc về Trung Quốc".
Năm 1935, một ủy ban đo đạc bản đồ của chính quyền Tưởng Giới Thạch vẽ nên một tấm bản đồ bao trọn các đảo trên Biển Đông.
Hai tác giả cho hay, trước thời điểm này, không một bản đồ Trung Quốc nào cho thấy những hòn đảo này thuộc về Trung Quốc.
Năm 1947, Trung Quốc công bố bản đồ 11 đoạn, nhưng tuyên bố này chưa bao giờ được bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào công nhận.
Năm 1953, Trung Quốc lại thay đổi bản đồ 11 đoạn thành 9 đoạn, tuyên bố toàn bộ Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc một cách phi lý và tiếp tục không được quốc gia hay tổ chức quốc tế nào công nhận.
Hai tác giả nhận định, Trung Quốc hiện là siêu cường và cần phải hành xử theo cách để các nước khác tôn trọng, thay vì phải lo ngại về sức mạnh quân sự và kinh tế của họ.
"Nếu Trung Quốc muốn được tôn trọng, cách duy nhất để giải quyết căng thẳng là thông qua trọng tài quốc tế" - hai tác giả bình luận.
Ông Alex Woo và Tsim Sha Tsui cũng bình luận thêm, nếu Trung Quốc cố tình sử dụng chiến thuật mạnh tay, nước này sẽ trở thành một quốc gia đáng ghét. Và người Trung Quốc ở đại lục hoặc ở nước ngoài, sẽ phải xấu hổ khi du lịch hoặc sinh sống ở những nước có xung đột với Trung Quốc.
Yên Yên (Theo South China Morning Post)