CNN thuật lại: 300 ngư dân Lý Sơn và 17 tàu cá đã bị các tàu Trung Quốc tấn công trong năm 2015. Có người bị đánh đập dã man, không thể làm gì trong 3 tháng.
Lại một lần nữa, ông Le Tan tiếp tục gặp rắc rối ở ngoài biển. Năm ngoái, một nhóm ngư dân trên con tàu gắn cờ Trung Quốc đã đuổi tàu của ông, bắt giữ và đe dọa ông Tan cùng con trai.
"Họ đột kích tàu chúng tôi. Đầu tiên, họ lấy cá của chúng tôi, sau đó lấy các thiết bị cần thiết. Nếu họ thích cái gì họ sẽ lấy đi. Nếu họ không thích, họ ném đi", ông Tan nói.
Ông ước tính thuyền của mình bị nhắm đến 4, 5 lần trong chục năm qua.
Khi con trai ông bị bắt trong 3 ngày, anh bị thương nặng do đánh đập và bị giật điện ở cột sống.
"Con tôi đã phải ở nhà trong 3 tháng và không thể làm gì", ông nói với CNN.
Chính quyền Việt Nam tin ông Tan và hàng trăm ngư dân khác như ông đã trở thành mục tiêu bởi họ hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa - lãnh thổ của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc và Đài Loan nhảy vào tranh chấp.
Ông Le Tan, một ngư dân Việt Nam. Ảnh: CNN |
Ngư dân bị bắt trong xung đột Biển Đông
Nằm ngoài khơi bờ biển phía đông của Việt Nam, đảo Lý Sơn chỉ có diện tích 10 km vuông và không được kết nối với điện lưới quốc gia cho tới tháng 10/2014. Nơi đây có khoảng 1.000 ngư dân đang hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa, trong đó có ông Tan.
Theo chính quyền địa phương, 300 ngư dân Lý Sơn và 17 tàu cá được báo cáo đã bị các tàu Trung Quốc tấn công trong năm 2015.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ không biết việc ngư dân Việt Nam bị đánh đập hay bị trục xuất khỏi khu vực mà Băc Kinh ngan nhiên nói là lãnh thổ "không thể tranh cãi" của họ.
Từ năm 1999, Trung Quốc đã đưa ra các lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè tại Biển Đông, nói rằng điều này nhằm bảo vệ sự bền vững của ngành công nghiệp đánh bắt.
Trả lời câu hỏi của CNN, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh "có quyền quản lý lãnh hải của mình". Nhưng khu vực này là của Việt Nam.
"Khu vực này thuộc về Việt Nam"
Bất chấp rủi ro, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Huyện đảo Lý Sơn nói rằng chính quyền khuyến khích ngư dân tiesp tục tới Hoàng Sa - ngư trường truyền thống và là nguồn thu nhập quan trọng đối với hòn đảo này.
"Bằng cách tiếp tục đi biển, họ xác nhận rằng khu vực này thuộc về Việt Nam... Đó là điều không thể phủ nhận", bà Hương nói.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND Huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: CNN |
CNN đưa tin các nhà chức trách Việt Nam đã hỗ trợ ngư dân tiền mặt để thay thế những trang thiết bị bị mất và giúp đỡ họ chi trả chi phí y tế.
Hòn đảo này là của người dân Việt Nam nên người dân Việt Nam thường đóng góp tiền của vào nghiệp đi biển, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Lý Sơn Nguyen Quoc Trinh cho biết.
"Đây là sức mạnh, động lực để ngư dân của chúng tôi cảm thấy an toàn mỗi khi ra khơi", ông Trinh nói.
Các tàu cá tại cảng Lý Sơn. Ảnh: CNN |
Cơ hội cho nước Mỹ
Các nhà phân tích chính trị nói rằng sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông đã đe dọa tới các quốc gia trong khu vực và mở ra những cơ hội mới cho Mỹ trong việc tạo dựng quan hệ với các nước như Việt Nam.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã có những động thái chiến lược để hỗ trợ cho những tuyên bố của mình với phần lớn Biển Đông, xây các đảo nhân tạo, các đường băng và triển khai tên lửa đất đối không tới khu vực.
Dựa trên các hình ảnh vệ tinh, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu (AMTI) đã kết luận Trung Quốc đã tạo ra 3.000 mẫu vuông đảo mới tại Biển Đông.
Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Daniel R.Russel, đã mô tả Việt Nam như "một đối tác trong việc duy trì Luật Biển và quy định của luật pháp ở trên biển, trong việc giải quyết căng thẳng và tranh chấp một cách hòa bình trên Biển Đông".
Chính quyền Obama đã nhiều lần ủng hộ một giải pháp hòa bình cho các tảnh chấp, kêu gọi ngừng cải tạo hoặc quân sự hóa các đảo.
Mỹ cũng đang thực hiện các chiến dịch "Tự do hàng hải" - tuần tra hải quân hoặc trên không ở Biển Đông - để nhấn mạnh quan điểm của Mỹ là tất các các nước đều có quyền đi qua vùng biển này.
Những hoạt động này đã khiến Trung Quốc nổi giận. Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Mỹ kích động xung đột và gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực.
Về phần mình, trong tháng 1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phát biểu về hoạt động của Mỹ: "Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải".
Bảo Linh (CNN)