(Tinmoi.vn) Động thái đưa giàn khoan HD-981 của COONC trái phép vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không những gặp phải phản đối mạnh mẽ từ dư luận trong nước mà còn là tâm điểm chú ý của các chuyên gia trên báo chí nước ngoài.
Báo Mỹ: Việt Nam có thể khiến Trung Quốc trả giá đắt’.
Tạp chí Fortune (Mỹ) ngày 12/5 trong bài phân tích tình hình nóng bỏng trên Biển Đông đưa ra nhận định nếu xung đột nổ ra vì vụ giàn khoan trái phép, Việt Nam có thể khiến Trung Quốc trả giá đắt.
Theo đó, “những khoản đầu tư này rõ ràng là kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông. Tất nhiên, Hải quân Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với hải quân Trung Quốc." Tuy nhiên, tác giả bài báo là chuyên gia Mỹ Minxin Pei, nhận định nếu xung đột nổ ra ‘Việt Nam có thể khiến Trung Quốc trả giá đắt."
Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo dũng mãnh của Nga (đã nhận 3 chiếc) và một số tiêm kích SUK-30MK. Trong ảnh là tàu ngầm Hà Nội.
Theo tác giả bài báo, giải pháp ngắn hạn hiện nay cho cuộc đối đầu ở giàn khoan vẫn là con đường ngoại giao và hiện Việt Nam đang giành lợi thế khi có được sự ủng hộ của nhiều nước.
Học giả Trung Quốc: Sự quyết đoán của Bắc Kinh phản tác dụng
Báo “New York Times” (Mỹ) ngày 12/5 dẫn lời phát biểu của ông David Zweig, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong: Quan điểm cứng rắn của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào hoạt động trái phép ở vùng biển Việt Nam có thể khiến các mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh tại khu vực bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm.
Cụ thể, ông David Zweig cho rằng nếu Trung Quốc không thể hợp tác với Việt Nam sau khi hai nước đã có thỏa thuận song phương (về giải quyết các vấn đề trên biển), thì Trung Quốc sẽ khó có thể thuyết phục các nước khác về các thỏa thuận song phương với Trung Quốc.
Vì vậy, quan điểm quyết đoán của Trung Quốc có thể sẽ phản tác dụng nếu như nó khiến các nước Đông Nam Á đi theo bước chuyển trong tâm chiến lược của Mỹ tại châu Á.
Học giả tại Ấn Độ: Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các điều khoản của Công ước quốc tế về luật biển
Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ấn Độ về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, học giả Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Quỹ quốc tế Vivekananda ở New Delhi (Ấn Độ) khẳng định, hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm các điều khoản của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Ông Vinod Anand cho rằng hành động Trung Quốc đưa giàn khoan cùng một hạm đội tàu và nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ vào vùng biển Việt Nam là cách hành xử hiếu chiến, có ý đồ về chủ quyền ở Biển Đông, rằng Chính sách phát triển hòa bình chỉ là những tuyên bố khoa trương trống rỗng.
Cách hành xử của Trung Quốc đi ngược lại các nguyên tắc quốc tế; các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần phối hợp nỗ lực buộc Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về tìm giải pháp cho tranh chấp.
Trang Livedoor, Nhật Bản: Lên án thái độ tiêu cực của cư dân mạng Trung Quốc
Trong khi đó, trang Livedoor, một trong những mạng tin lớn nhất của Nhật, đã dẫn đăng lại bài viết Sankei Shimbun, chỉ trích thái độ cực đoan, hiếu chiến thái quá của cư dân mạng Trung Quốc khi nước này đi gây hấn trên biển Đông.
Bài báo viết: “Sau những va chạm trên biển đông, người dùng Internet Trung Quốc đã phản ứng dữ dội. Họ đòi chiến tranh, dùng ngôn ngữ xúc phạm đối với những các nước khác.”
Trong khi đó, Trung Quốc đã đáp lại những lời kêu gọi của chính phủ Việt Nam bằng những hành động bạo lực như bắn vòi rồng, đâm tàu và thậm chí đưa cả tiêm kích đến vùng biển này.
Tàu Trung Quốc đâm hư hại tàu Việt Nam tại biển Đông
Tác giả Sankei Shimbun đã trích dẫn một số bình luận hiếu chiến, kích động của cư dân mạng Trung Quốc như “Tại sao lại chỉ là bắn vòi rồng? Hãy bắn pháo trực tiếp”. “Đánh chìm tàu Việt Nam”, “Hãy trừng phạt kinh tế và tấn công Việt Nam”...
Thế nhưng, những phát ngôn của Trung Quốc lại cố tình lấp liếm, nói sai sự thật, hoặc nói chỉ một phần sự thật. Theo Sankei Shimbun, ngày 7/5, Trung Quốc bắt đầu chế độ kiểm soát bình luận độc giả và xóa nhiều bài viết cũng như các bình luận “nhạy cảm” vào ngày 8/5 để kiểm soát dư luận trong nước.
Trong vụ việc tàu cá Trung Quốc bị Phillipines bắt giữ, chính phủ Trung Quốc còn cố tình giấu nhẹm đi thông tin về tình trạng của tàu này khi bị bắt: trên tàu có đến 500 con rùa biển quý, loài vật trong danh sách bảo tồn, bị cấm săn bắt.
C.K (Tổng hợp)