Các nhà lãnh đạo Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh, Canada và Mỹ đã đưa ra một tuyên bố hôm 26/2, thông báo về loạt biện pháp mới nhắm vào nền kinh tế Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
Đặc biệt, họ quyết định "những ngân hàng Nga được chọn" sẽ bị "xóa khỏi hệ thống SWIFT". Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ bị ngăn "triển khai dự trữ quốc tế để làm giảm tác động" của các lệnh trừng phạt.
Các nhà lãnh đạo cho biết họ cũng sẽ "hạn chế việc bán quyền công dân, hay còn gọi là hộ chiếu vàng, cho phép người giàu Nga có liên kết với chính phủ Nga trở thành công dân nước chúng tôi, có quyền truy cập vào hệ thống tài chính của chúng tôi".
Cuối cùng, các quốc gia công bố kế hoạch khởi động "một lực lượng đặc nhiệm xuyên Đại Tây Dương" để xác nhận và đóng băng các thực thể bị trừng phạt trong phạm vi quyền hạn.
"Là một phần của nỗ lực này, chúng tôi cam kết áp dụng các biện pháp trừng phạt, những biện pháp thúc ép và tài chính khác đối với quan chức và giới tinh hoa thân cận với chính phủ Nga, cũng như gia đình họ, những người giúp đỡ họ để xác định và đóng băng tài sản của họ trong khu vực thuộc quyền tài phán của chúng tôi", tuyên bố cho biết.
Trên hết, các nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ "tăng cường" sự phối hợp trong việc chống lại "thông tin sai lệch và các hình thức chiến tranh hỗn hợp khác".
Trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga kiêm cựu tổng thống Dmitry Medvedev nói rằng các lệnh trừng phạt chống lại lãnh đạo nước này có thể "là lý do tuyệt vời để xem xét lại lần cuối" mối quan hệ của Nga với các nước áp lệnh. Ông nói thêm rằng việc này có thể làm "gián đoạn đối thoại về sự ổn định chiến lược" và thậm chí có khả năng xóa bỏ những thỏa thuận, chẳng hạn như hiệp ước START mới nhằm cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Nga đã phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" với mục đích "phi quân sự hóa Ukraine" từ ngày 24/2. Đa số các quốc gia phương Tây lên án cuộc tấn công là "vô cớ" và "phi lý".
(Theo RT)
>> Xem thêm: Ukraine 'quay xe 'sau khi nói lính biên phòng bị Nga tiêu diệt