Shanti Devi là một phụ nữ người Ấn Độ nổi tiếng trong thập niên 1930 vì khả năng kỳ lạ của mình: cô tuyên bố rằng mình có thể nhớ về cuộc sống trước đó của mình. Được biết Shanti Devi sinh ra ở Delhi, Ấn Độ vào ngày 11/12/1926. Khi mới 4 tuổi, cô bỗng nói rằng ngôi nhà đang ở không phải là nhà thực sự của cô. Cả cha mẹ hiện tại cũng không phải là ruột thịt.
Sau đó không lâu, Shanti nhận thấy cô có thể nhớ lại kiếp trước của mình. Trường hợp kỳ lạ này đã được điều tra rất kỹ lưỡng thu hút hàng trăm nhà nghiên cứu và học giả tâm linh vào giữa những năm 1930.
Năm lên 9 tuổi, Shanti Devi tiết lộ, kiếp trước cô đã kết hôn và có một cậu con trai với người chồng tên là Pandit Kedarnath Chaube, đôi khi được gọi là Kedar Nath sống ở Mathura, cách Delhi khoảng 145 km.
Một người bạn của gia đình đã viết thư cho thầy hiệu trưởng ở Mathura, nhờ tìm Kedar Nath. Hóa ra, ở địa phương này có một thương gia tên này, vợ ông ta đã chết cách đây 9 năm, sau khi sinh một bé trai.
Sau đó, Shanti Devi cho biết, cô đã chết 10 ngày sau khi sinh con vào tháng 10 năm 1925. Cô nhớ chồng mình là người thường đeo kính đọc sách và có một cái mụn ở má trái. Để rõ thực hư, các nhà nghiên cứu đã sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa Shanti Devi, Kedar Nath và con trai của họ.
Kedar Nath đi cùng với con trai và tự giới thiệu mình là em trai của chồng Shanti Devi để xem cô bé phản ứng như thế nào. Tuy nhiên, Shanti Devi đã nhận ra anh ta ngay lập tức. Cô cũng nhận ra con trai tiền kiếp của mình, Navneet Lal.
Để chứng minh cho những gì đã nói, cô kể cho họ nghe tất cả những gì còn nhớ về kiếp trước, cả những ca phẫu thuật phức tạp mà cô phải trải qua sau khi sinh con.
Các nhà nghiên cứu vô cùng sửng sốt khi nghe những mô tả chính xác về tiền kiếp từ một cô bé. Họ không thể tin rằng, làm thế nào một cô bé lại hiểu rõ về những ca phẫu thuật và thủ tục y tế phức tạp như vậy.
Trong một trường hợp khác, tại nhà ga Mathura, Shanti Devi gặp một người lạ và được hỏi cô có biết người đó là ai không. Cô nhận ra ngay anh ta là anh trai của Kedar Nath.
Khi họ đến ngôi nhà trong tiền kiếp của cô ở Mathura, cô không mất một giây để nhận ra bố chồng mình trong đám đông. Mọi người đều choáng váng khi chứng kiến điều này! Shanti cũng nói rằng, trong tiền kiếp, cô đã chôn một số tiền ở một vị trí cụ thể trong ngôi nhà và hướng dẫn mọi người đến điểm, nơi đặt một chậu hoa.
Cuộc tìm kiếm bắt đầu nhưng cuối cùng không tìm thấy tiền. Tuy nhiên, Shanti Devi vẫn khăng khăng khẳng định rằng, cô đã để tiền ở đó trong kiếp trước. Mọi chuyện sáng tỏ khi Kedar Nath, chồng trong tiền kiếp của cô, thú nhận anh ta đã lấy số tiền đó sau khi cô qua đời.
Sau đó, Devi tiếp tục đến nhà cha mẹ trong tiền kiếp của cô. “Cô ấy không chỉ nhận ra nó, mà còn có thể xác định được “cha” và “mẹ” cũ của mình trong một đám đông hơn 50 người” - một trong những điều tra viên viết - “Cô gái ôm lấy “cha mẹ” của mình… Mọi người đều khóc trong cuộc đoàn viên này”.
Devi không chỉ nhớ lại cuộc sống của mình ở kiếp trước mà còn có lời giải thích cho đường đi vào thế giới bên kia. Vào năm 1936 và 1939, cô gái đã kể lại trải nghiệm về cái chết của mình cho những người hoài nghi cũng như các nhà thôi miên.
Devi nói rằng vào thời điểm chết, cô cảm thấy chóng mặt và bị bao trùm trong "bóng tối sâu thẳm" trước khi một tia sáng lóe lên để lộ ra bốn người nam mặc đồ lót màu vàng trước mặt. “Cả bốn người dường như đều ở tuổi thiếu niên và ngoại hình cũng như cách ăn mặc của họ rất tươi sáng”, Devi nói khi bị thôi miên. "Họ đặt tôi vào một chiếc cốc và mang tôi đi".
Sau này khi trưởng thành Shanti Devi không kết hôn và sống một cuộc đời tâm linh, yên tĩnh ở Delhi. Shanti Devi qua đời vào năm 1987 ở tuổi 61.
Vụ việc của Shanti Devi đã thu hút sự chú ý của chính phủ Ấn Độ. Năm 1936, một ủy ban được thành lập bởi chính phủ để điều tra vụ việc. Ủy ban này gồm các học giả, nhà báo và các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Dựa trên các cuộc phỏng vấn và việc xác minh thông tin, ủy ban đã kết luận rằng những tuyên bố của Shanti Devi có cơ sở và khó giải thích được thông qua bất kỳ lời giải khoa học nào mà họ biết đến vào thời điểm đó.
Vụ việc của Shanti Devi không chỉ nổi tiếng ở Ấn Độ mà còn trở thành đề tài nghiên cứu và thảo luận ở nhiều quốc gia khác. Nhiều nhà nghiên cứu và nhà văn đã viết về cô.