Vụ án biến mất kỳ lạ của D.B. Cooper
Vào thứ Tư, ngày 24 tháng 11 năm 1971, một người đàn ông tên Daniel Cooper đã mua vé một chiều trị giá 20 đô la của hãng hàng không Northwest Airlines trên chuyến bay 305 từ Portland, Oregon đến Seattle, Washington. Cooper được mô tả là khoảng ngoài 40 tuổi, mặc vest công sở, bên trong là áo sơ mi trắng và cà vạt đen, bên ngoài vest là áo khoác, đi giày nâu. Anh ta còn mang theo một chiếc cặp và một chiếc túi giấy màu nâu.
Trước khi chuyến bay khởi hành, anh gọi một ly rượu bourbon và soda từ một tiếp viên hàng không. Sau khi máy bay cất cánh, Cooper đưa cho tiếp viên một tờ giấy nhắn. Lúc đầu, cô chỉ bỏ nó vào túi mà không nhìn nhưng sau đó Cooper nói với cô ấy “Cô ơi, tốt nhất cô nên xem tờ giấy đó. Tôi có một quả bom." Cooper sau đó nói với cô rằng quả bom nằm trong cặp của anh ta và yêu cầu cô ngồi cạnh anh ta. Anh ta mở chiếc cặp để lộ những chiếc que màu đỏ, xung quanh là dãy dây điện.
Cooper bảo tiếp viên ghi lại tất cả những gì anh ta nói rồi đưa cho Cơ trưởng. Bức thư có nội dung “Tôi muốn 200.000 đô la tiền mặt trước 5 giờ chiều, phải là tờ 20 đô la, bỏ vào ba lô. Tôi muốn hai chiếc dù phía sau và hai chiếc dù phía trước. Khi hạ cánh, tôi muốn một chiếc xe chở nhiên liệu sẵn sàng tiếp nhiên liệu. Đây không phải là trò đùa, tôi sẽ làm thật đấy.”
Các đặc vụ FBI đã gom tiền chuộc từ một số ngân hàng ở khu vực Seattle và cảnh sát Seattle đã lấy được những chiếc dù từ một trường dạy nhảy dù địa phương.
Khi Cooper biết yêu cầu của mình đã được đáp ứng, anh ta cho phép tất cả hành khách và một số nhân viên phi hành đoàn rời khỏi máy bay. Cooper yêu cầu những nhân viên còn lại tiếp nhiên liệu cho máy bay và lập lộ trình đến Thành phố Mexico khi máy bay đang ở độ cao dưới 10.000 feet. Trong chuyến bay, Cooper đeo một cặp kính râm màu tối, cảnh sát sau đó đã vẽ bản phác thảo chính thức và nó nhanh chóng trở nên nổi tiếng với những người quan tâm tới vụ án. Sau 8 giờ tối, ở đâu đó giữa Seattle và Reno, Nevada, Cooper đã nhảy ra khỏi cửa sau máy bay cùng với hai chiếc dù và số tiền. Từ đó, anh ta hoàn toàn biến mất và chưa bao giờ được tìm thấy.
Bất chấp một cuộc truy lùng quy mô và hơn 45 năm tìm kiếm, vẫn chưa có kết luận nào được đưa ra về danh tính cũng như số phận của Cooper sau khi anh ta nhảy xuống. Đây được coi là một trong những vụ án lạ lùng nhất trong lịch sử FBI và Hoa Kỳ.
Vụ án thược dược đen
Vào ngày 15 tháng 1 năm 1947, hài cốt của Elizabeth Short, 22 tuổi, được biết đến với cái tên "Thược dược đen" (The Black Dahlia) được tìm thấy trên dãy nhà 3800 S Norton Avenue ở Los Angeles. Thi thể bị cắt làm đôi, nhợt nhạt và chảy nhiều máu đến nỗi người phụ nữ tìm thấy thi thể lúc đầu nhầm tưởng đó là ma-nơ-canh. Thi thể được cắt với độ chính xác cao, không để lại tổn thương cho các cơ quan nội tạng và xương. Khuôn mặt của cô cũng bị cắt từ miệng đến tai, để lại một nụ cười kỳ quái vĩnh viễn. Trên mặt đất không có máu nên người ta tin rằng thi thể đã được di chuyển sau khi cô bị sát hại.
Chín ngày sau khi cô được phát hiện, một phong bì đã được gửi đến người giám định, bên trong là một lá thư được cắt ghép và dán từ các tạp chí/báo với nội dung: “The Los Angeles Examiner và các tờ báo khác của Los Angeles, đây là đồ đạc của Dahlia, hãy chờ lá thư tiếp theo.” Đúng như trong thư, phong bì còn chứa thẻ An sinh xã hội, giấy khai sinh, ảnh, tên viết trên những mảnh giấy, một sổ địa chỉ bị thiếu trang và tên Mark Hansen được in nổi trên bìa. Xăng được dùng để lau chùi đồ vật, xóa dấu vân tay.
Vào ngày 14 tháng 3, một lá thư tuyệt mệnh viết nguệch ngoạc bằng bút chì trên một tờ giấy đã được tìm thấy giấu trong một chiếc giày trong đống quần áo nam giới cạnh bờ biển, dưới chân Đại lộ Breeze ở Venice. Mảnh giấy có nội dung: "Gửi những người có thể quan tâm: Tôi đã đợi cảnh sát bắt tôi vì vụ giết Black Dahlia, nhưng không. Tôi quá hèn nhát để tự đầu thú, vì vậy đây là lối thoát tốt nhất cho tôi. Tôi không thể kiềm chế được bản thân. Xin lỗi, Mary."
Đống quần áo được người trông coi bãi biển nhìn thấy và báo cáo cho đội trưởng đội cứu hộ John Dillon. Dillon ngay lập tức thông báo cho Sở cảnh sát Tây Los Angeles. Quần áo bao gồm một chiếc áo khoác và quần dài bằng vải tuýt hình xương cá màu xanh, một chiếc áo sơ mi màu nâu và trắng, quần soọc màu trắng, tất màu nâu và giày moccasin màu nâu, cỡ tám. Tuy nhiên, bộ quần áo không tiết lộ manh mối nào về danh tính chủ nhân của chúng.
Mặc dù nhiều nghi phạm đã được nêu tên nhưng không có nhà chức trách nào có thể xác định được kẻ giết Thược dược đen. Bí ẩn về vụ án vẫn chưa được giải quyết trong hơn 70 năm.
Vụ đánh bom phố Wall năm 1920
Trong giờ ăn trưa cao điểm ở Phố Wall vào một ngày của tháng 9 năm 1920, một người đàn ông vô danh lái xe về phía trước Văn phòng Khảo nghiệm Hoa Kỳ, đối diện với tòa nhà J. P. Morgan. Anh ta dừng xe, bước xuống và ngay lập tức biến mất trong đám đông.
Vài phút sau, chiếc xe phát nổ khiến hơn 30 người thiệt mạng và 300 người bị thương. Hậu quả quá đỗi kinh hoàng, số người chết ngày càng tăng lên và nhiều nạn nhân qua đời vì vết thương quá nặng. Ban đầu, vụ nổ không rõ ràng là hành động khủng bố có chủ ý mà chỉ được coi là một tai nạn. Đội bảo trì đã dọn dẹp thiệt hại trong đêm, vứt bỏ mọi bằng chứng vật lý để xác định thủ phạm. Đến sáng hôm sau, Phố Wall đã hoạt động trở lại.
Các thuyết âm mưu có rất nhiều, nhưng Cảnh sát và Sở cứu hỏa New York, Cục Điều tra (tiền thân của FBI) và Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ đã vào cuộc để tìm ra sự thật. Mỗi đầu mối đều được tích cực theo đuổi, Cục đã phỏng vấn hàng trăm người từng ở quanh khu vực đó trước, trong và sau cuộc tấn công nhưng thu thập được rất ít thông tin. Một vài ký ức về người lái xe và toa xe khá mơ hồ và vô dụng cho cuộc điều tra. NYPD đã có thể tái tạo lại quả bom và cơ chế ngòi nổ của nó, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về bản chất của chất nổ.
Tuy nhiên, manh mối hứa hẹn nhất thực sự đã đến trước vụ nổ. Một người đưa thư đã tìm thấy bốn tờ rơi được in và đánh vần thô sơ ở khu vực Phố Wall từ một nhóm tự xưng là “Những chiến binh vô chính phủ Mỹ” yêu cầu thả tù nhân chính trị. Những bức thư này có vẻ giống với những bức thư được sử dụng năm trước trong hai chiến dịch ném bom do những người theo chủ nghĩa Vô chính phủ Ý chỉ huy. Cục đã điều tra khắp Bờ Đông để truy tìm việc in những tờ rơi này nhưng không thành công.
Dựa trên các vụ đánh bom trong thập kỷ trước, Cục ban đầu nghi ngờ những người theo chủ nghĩa vô chính phủ là một người Ý tên Luigi Galleani. Nhưng vụ việc không thể chứng minh được Galleani đã trốn khỏi nước Ý. Trong ba năm tiếp theo, vụ án trở nên nguội dần và đi vào ngõ cụt. Cuối cùng, danh tính những kẻ đánh bom vẫn chưa được xác định.
Cái chết chấn động của Elisa Lam
Vào ngày 26 tháng 1 năm 2013, du khách người Canada 21 tuổi Elisa Lam đã nhận phòng khách sạn Cecil ở trung tâm thành phố Los Angeles. Cho đến ngày 1 tháng 2, cô không trả phòng và cũng không có bất cứ liên lạc nào với cha mẹ, khách sạn đã báo cho Sở Cảnh sát Los Angeles. Vào ngày 19 tháng 2 - 18 ngày kể từ lần cuối người ta nhìn thấy sự xuất hiện của Elisa Lam, thi thể của cô đã được tìm thấy lơ lửng và trần truồng trong bể nước trên nóc khách sạn Cecil. Thi thể của cô được phát hiện sau khi nhiều khách hàng của khách sạn phàn nàn về áp lực nước, một cặp vợ chồng thậm chí còn cho biết nước chảy ra màu đen và có mùi vị khó chịu.
Theo người quản lý khách sạn, khi Lam lần đầu nhận phòng, cô ở trong phòng kiểu dorm cùng với các du khách khác, nhưng sau đó chuyển sang phòng riêng do bạn cùng phòng phàn nàn về hành vi kỳ quặc. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy cô là trong đoạn phim giám sát khu vực thang máy của khách sạn. Đoạn phim cho thấy Lam có hành động kỳ lạ, gần giống như cô đang lẩn trốn. Cô cử động tay khó hiều và có vẻ như đang nói chuyện với ai đó ngoài tầm nhìn của camera an ninh.
Sau khi thi thể của Lam và đoạn phim giám sát được tìm thấy, người ta cho rằng cô đã sử dụng một loại thuốc gây ảo giác nào đó. Mặc dù Lam đã dùng bốn loại thuốc khác nhau để điều trị chứng rối loạn lưỡng cực của mình, các nghiên cứu về chất độc cho thấy không có dấu vết của bất kỳ loại thuốc hay rượu nào có thể góp phần gây ra cái chết của cô. Cũng có giả thuyết cho rằng cô bị sát hại và chết do Đuối nước, nhưng báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy không có bằng chứng về chấn thương. Cho đến ngày nay, không ai biết làm thế nào cô có thể lên mái nhà hay trèo vào bể nước và tự mình đóng chiếc nắp nặng tới 20 pound.
Sát thủ cung hoàng đạo
Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, một kẻ giết người hàng loạt được mệnh danh là “Sát thủ cung hoàng đạo” đã gây ra sự kinh hoàng cho miền Bắc California. Có ít nhất 5 nạn nhân được phát hiện nhưng kẻ sát nhân khai rằng hắn đã giết tổng cộng ít nhất 37 người.
Vào ngày 20 tháng 12 năm 1968, trên đường Lake Herman ở Vallejo, David Faraday, 17 tuổi và Betty Lou Jensen, 16 tuổi, bị bắn chết khi đang ngồi trong một chiếc ô tô đậu ở khu vực đỗ xe rải sỏi. Khi cảnh sát đến, Betty được phát hiện đã chết nhưng David vẫn còn sống. Thật không may, cậu không qua khỏi trên đường đến bệnh viện. Đây là vụ giết người đầu tiên mà Sát thủ cung hoàng đạo thực hiện và thoát khỏi.
Tội ác tiếp theo của hắn xảy ra vào ngày 4 tháng 7 năm 1969, tại Công viên Blue Rock Springs, chỉ cách vụ án trước đó vài phút đi bộ. Kẻ sát nhân tiếp cận một chiếc ô tô đang đỗ bằng đèn pin rồi sát hại Darlene Ferrin, 22 tuổi và Michael Mageau, 19 tuổi. Cả hai vẫn còn sống khi được tìm thấy nhưng chỉ Mageau qua khỏi. Anh mô tả kẻ xả súng là một nam giới trẻ, da trắng, 26-30 tuổi, dáng người chắc nịch, nặng 200 pound hoặc hơn, cao khoảng 5'8 với mái tóc xoăn màu nâu nhạt và khuôn mặt to. Trong vòng một giờ, cảnh sát nhận được cuộc điện thoại từ một người tự xưng là kẻ xả súng trong vụ giết người trên đường Lake Herman.
Vào ngày 1 tháng 8 năm 1969, các trang báo San Francisco Chronicle, San Francisco Examiner và Vallejo Herald đều nhận được một lá thư viết tay từ một người tự xưng là kẻ nổ súng. Những bức thư tiết lộ chi tiết cụ thể về vụ giết người để chứng minh rằng người viết thực sự là kẻ sát nhân. Tất cả các chữ cái đều được ký bằng một vòng tròn có dấu gạch chéo xuyên qua, biểu tượng mà sau này được biết đến là dấu hiệu của Sát thủ cung hoàng đạo. Trong bức thư cũng có ba mật mã khác nhau mà Sát thủ cung hoàng đạo yêu cầu được in trên báo nếu không hắn sẽ tiếp tục giết người. hắn nói rằng những đoạn mã bị bẻ khóa sẽ tiết lộ danh tính của hắn.
Vào ngày 4 tháng 8 năm 1969, người ta nhận được một lá thư khác bắt đầu bằng cụm từ “đây là lời nói của Cung hoàng đạo”, đánh dấu lần đầu tiên kẻ giết người tự nhận danh xưng. Vào ngày 8 tháng 8, mật mã đã được một cặp vợ chồng ở Salinas, California bẻ khóa thành công. Mật mã có nội dung: “Tôi thích giết chóc vì nó rất thú vị. Nó thú vị hơn việc giết thú hoang trong rừng vì con người là loài động vật nguy hiểm nhất để giết. Có điều gì đó mang lại cho tôi trải nghiệm ly kỳ nhất, thậm chí còn tuyệt vời hơn cả việc tỏ tình với một cô gái. Điều tuyệt vời nhất là khi tôi chết, tôi sẽ được tái sinh ở thiên đường và những người tôi đã giết sẽ trở thành nô lệ của tôi. Tôi sẽ không cho bạn biết tên của tôi vì bạn sẽ làm chậm lại hoặc ngăn chặn việc tôi thu thập nô lệ cho thế giới bên kia.”
Sau khi cướp đi thêm ba mạng sống và gây ra nỗi kinh hoàng trên toàn quốc, Sát thủ cung hoàng đạo viết bức thư cuối cùng của mình vào ngày 29 tháng 1 năm 1974, kết thúc bức thư với số điểm mới “Tôi=37 SFPD=0”. Danh tính thực sự của kẻ giết người chưa bao giờ được tìm thấy.