Bài đăng trên Twitter kèm theo video dài 49 giây nói rằng batik (nghệ thuật trang trí vải bằng sáp và thuốc nhuộm) do "những nhóm dân tộc thiểu số sống ở Quý Châu và Vân Nam, 2 tỉnh tây bắc Trung Quốc" thực hiện. Ngay lập tức, hàng trăm người Indonesia đã nhảy vào bình luận để bảo vệ nét văn hóa dân tộc. Đoạn video cũng khiến Bộ Ngoại giao Indonesia phải đề xuất sửa đổi. Sau đó, Tân Hoa xã lại đăng một bài khác, mô tả batik là "một từ gốc Indonesia, nhắc tới kỹ thuật nhuộm vải chống sáp được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết một trong những đồng nghiệp của ông đã chính thức thông báo với Tân Hoa xã rằng batik bắt nguồn từ tiếng Java, trong kỹ thuật làm batik thuộc văn hóa Indonesia. "Tân Hoa xã đã thừa nhận sai lầm khi không biết rằng từ batik xuất phát từ từ vựng tiếng Java. Hơn nữa, batik Indonesia cũng đã được Unesco công nhận", ông nói. Năm 2009, Unesco công nhận batik Indonesia là di sản văn hóa phi vật thể.
Sự phẫn nộ về bài đăng của Tân Hoa xã tương tự như phản ứng của Indonesia với Malaysia trong những tranh cãi về nguồn gốc của batik và rendang, một món thịt phổ biến ở cả 2 nước. Tranh cãi về cả 2 chủ đề này thường xảy ra giữa Indonesia, Malaysia và đôi khi cả Singapore, nơi có nhiều người dân di cư. Năm 2009, tranh chấp về quyền sở hữu batik và các vấn đề khác đã khiến quan hệ Indonesia-Malaysia xuống đến mức thấp nhất lịch sử. Khi sự phẫn nộ với người Malaysia gia tăng ở Indonesia, bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đã phải tìm cách xoa dịu căng thẳng bằng việc làm rõ 2 nước không đứng trên bờ vực chiến tranh.
Batik là một chủ đề đặc biệt dễ gây xúc động cho người Indonesia, họ coi các thiết kế batik là một phần cốt lõi của nền kinh tế sáng tạo. Trong một bài đăng trên Jakarta Post hồi tháng trước, một quan chức nói rằng hơn một nửa xuất khẩu kinh tế sáng tạo của Indonesia đến từ ngành thời trang, bao gồm quần áo batik và hijab có đóng góp lớn nhất.
Trên bài đăng gốc của Tân Hoa xã hôm 12/7, một số người Indonesia đã có bình luận đáp trả như "Trung Quốc là bậc thầy sao chép", "Sau biển, giờ các người còn muốn đòi yêu sách với văn hóa của chúng tôi?".
Muhammad Zulfikar Rakhmat, một học giả tại ĐH Hồi giáo Indonesia cho biết sự phẫn nộ trước bài đăng của Tân Hoa xã xảy ra đúng thời điểm mà sự bài Trung gia tăng tại Indonesia. "Tuyên bố này xảy ra sau khi có một loạt hành vi của Trung Quốc nhận chỉ trích từ người Indonesia, chẳng hạn như trường hợp các thủ thủ đoàn người Indonesia bị ngược đãi trên tàu Trung Quốc, sự xuất hiện của công nhân Trung Quốc giữa đại dịch và cả vấn đề Natuna". Ông Zulfikar nhắc đến việc các tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại Biển Đông.