Theo PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cần đặt lại tên Biển Đông để giải quyết vấn đề tranh chấp trong khu vực.
PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ảnh: Tiền phong |
Trả lời phỏng vấn đài Sputnik của Nga, tiến sĩ Minh nói: "Theo tôi, việc đổi tên quốc tế của vùng biển này là một vấn đề mang tính nguyên tắc. Tên gọi "Biển Nam Trung Hoa" bao hàm ý nghĩa về chủ quyền của Trung Quốc.
Tình hình Biển Đông là tranh chấp giữa sáu bên: bốn quốc gia ASEAN — Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, cũng như Trung Quốc và Đài Loan. Ở khu vực Đông Nam Á, gần như tất cả các nước đang ủng hộ việc đổi tên Biển Nam Trung Hoa. Tôi cho rằng, sẽ tốt hơn nếu trong tên mới không sử dụng tên một quốc gia nào đó mà có sử dụng tên khu vực. Ví dụ, tên "Biển Đông Nam Á" sẽ giúp giải quyết vấn đề. Cần phải sớm giải quyết vấn đề đổi tên bởi vì Trung Quốc cho rằng cái tên "Biển Nam Trung Hoa" là cái cớ chính đáng cho họ thực hiện bất kỳ hành động bất hợp pháp trong vùng biển này. Tuy nhiên, vùng biển này là một trong những trung tâm vận tải quốc tế lớn nhất trên hành tinh chúng ta, và không thuộc về một quốc gia nào".
Tờ báo Nga cho biết từ trước tới giờ, vùng biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã có vài cái tên. Hiện nay, nó cũng có những cái tên khác nhau. Tên phổ biến nhất là biển Nam Trung Hoa (South China Sea). Ở Việt Nam, vùng biển này được gọi là Biển Đông. Philippines đặt tên lại là biển Tây Philippines (West Philippines) vào năm 2012. Gần đây, Indonesia định đặt tên lại cho vùng biển này là "biển Natuna". Còn trung Quốc thì gọi là Biển Nam. Trung Quốc không chống lại tên gọi biển Nam Trung Hoa và nghiễm nhiên coi đây là sự xác nhận quyền "lịch sử" của Bắc Kinh với vùng biển này và đưa ra làm cái cớ để ngụy biện cho "đường lưỡi bò. Các nước trong khu vực kiên quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc và đang tích cực ủng hộ đề xuất đổi tên Biển Đông.
Bảo Linh (tổng hợp)