Mới đây, ông Henri Geno, cựu cố vấn Tổng thống Pháp từ năm 2007 đến năm 2012 cho rằng NATO nên ngừng tiếp nhận thành viên mới. "Các cánh cửa dẫn đến NATO nên được đóng lại. Không thể chấp nhận được việc cả Phần Lan, Thụy Điển, Ukraine, Moldova và Georgia trong liên minh", ông nói với kênh BFM TV.
Theo ông, việc Mỹ và EU giúp các quốc gia Đông Âu gia nhập NATO đã biến liên minh này thành một tổ chức chống Nga, biến biên giới của EU tới sát biên giới Nga. Bằng cách đó, Washington và Brussels đã tạo ra "cho người Nga cảm giác bị bao vây, đây vốn là tâm điểm của nhiều cuộc chiến tại châu Âu", ông Geno nói.
Cựu cố vấn của Tổng thống Pháp tin rằng thỏa thuận ngày 10/11/2021 về quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Ukraine "chính thức hóa một liên minh giữa hai nước, rõ ràng là nhằm chống lại Nga".
Trở lại ngoại giao
“Vào đầu Thế chiến II, cả Churchill và Roosevelt đều không nghĩ rằng một ngày nào đó họ sẽ ra lệnh ném bom hàng loạt vào các thành phố của Đức để phá vỡ tinh thần của người dân. Khi cử các cố vấn quân sự đến Việt Nam vào năm 1961, Tổng thống Mỹ John Kennedy đã không tưởng tượng rằng 8 năm sau nước Mỹ sẽ đưa nửa triệu binh sĩ đến đó, đốt bom napalm và bị buộc tội tiêu diệt toàn bộ làng mạc", ông Geno tiếp tục
Ông nói: "Chiến tranh lạnh không biến thành chiến tranh thế giới thứ ba chỉ vì không ai trong số các tác nhân của nó cố đưa kẻ thù vào thế bế tắc". Nhưng, cũng theo ông Geno, giờ đây Mỹ và các đồng minh đang cố gắng "dồn Nga vào chân tường".
"Quay trở lại ngoại giao là cách duy nhất để ngăn sự trượt dài vào một cuộc xung đột toàn cầu", cựu cố vấn nói. Ông nhất trí với quan điểm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine để ngăn xung đột lan sang các khu vực khác của châu Âu.
Mở rộng NATO
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo về một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm đáp ứng yêu cầu giúp đỡ của những người đứng đầu các nước cộng hòa Donbass. Mỹ và các đồng minh đã trả đũa bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga và bắt đầu cung cấp vũ khí cho Kiev.
Các cuộc thảo luận về việc Phần Lan gia nhập NATO đã được tăng cường vào đầu tháng 4. Những thành viên chủ chốt của liên minh đã ủng hộ ý tưởng này. Đa số thành viên của quốc hội Phần Lan cũng ủng hộ việc gia nhập. Thụy Điển cũng đang xem xét khả năng này và Đảng Lao động Dân chủ Xã hội cầm quyền sẽ quyết định gia nhập NATO vào ngày 15/5.
(Theo TASS)
>> Xem thêm: Nếu 2 nước này gia nhập NATO, Nga sẽ có thêm đối thủ chính thức