Trong vòng 2 năm qua, Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), một thiếu niên gầy gò và đeo kính cận, đã thành lập được một phong trào đòi dân chủ của giới trẻ tại Hong Kong với mục đích gây áp lực buộc Trung Quốc phải để Hong Kong được tự do bầu chọn lãnh đạo của mình.
Joshua Wong sinh ngày 13/10/1996 tại Hong Kong. Chịu ảnh hưởng của bố mẹ, từ nhỏ cậu đã thích tham gia các hoạt động xã hội. Ngày 20/5/2011, Wong cùng một học sinh trung học khác là Lâm Lương Ngạn thành lập phong trào Học dân tư triều (Scholarism). Tháng 8/2014, Wong được nhận vào Đại học Mở Hong Kong, theo học chuyên ngành khoa học xã hội (chính trị và hành chính cộng đồng). Tài khoản Facebook của Wong hiện có hơn 200.000 người theo dõi.
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Bắc Kinh cho biết Wong là người nhiệt tình, có tư duy tốt, nói năng lưu loát không thua gì một chính khách. Giáo viên Từ Kỳ Hoa, người từng công khai biện luận cùng Wong về vấn đề giáo dục quốc dân, từng thừa nhận Wong là một người có tâm, lúc bình luận sự việc rất có lý có tình, nhưng có lúc khi mọi người đang đề cập tới đề tài này thì cậu đột ngột bẻ ngoặt sang đề tài khác không liên quan.
CNN cho hay, khi trao trả Hong Kong về cho Trung Quốc vào năm 1997, Anh và Trung Quốc đã cùng ký một hiệp ước, theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ cho phép Hong Kong “quyền tự trị cao cấp”, bao gồm việc cho phép bầu cử dân chủ để chọn ra đặc khu trưởng. Nhưng thỏa thuận này hầu như đã không được thực hiện 17 năm nay.
Joshua Wong, thủ lĩnh 17 tuổi phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong
Bắc Kinh mới đây đã tuyên bố người dân Hong Kong chỉ có thể bầu ra lãnh đạo mới từ các ứng viên mà Bắc Kinh đã lọc ra từ trước. Đây chính là nguyên nhân khiến phong trào biểu tình đòi tự do dân chủ nơi đây bùng phát dữ dội.
Vào tháng 9/2012, phong trào Scholarism do Wong đứng đầu đã huy động thành công 120.000 người biểu tình, bao gồm 13 cuộc biểu tình tuyệt thực của giới trẻ. Các cuộc biểu tình diễn ra tại khu vực trụ sở chính quyền Hong Kong, khiến lãnh đạo đặc khu phải bãi bỏ đề xuất đem chương trình “Giáo dục đạo đức và quốc gia” vào các trường học Hong Kong của Bắc Kinh.
Khi ấy Wong nhận ra rằng giới trẻ Hong Kong nắm giữ một quyền lực rất lớn, CNN nhận định.
Hồi tháng 6, Scholarism đã thảo ra một kế hoạch cải cách cách thức bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong và kế hoạch này đã giành được sự ủng hộ của gần 1/3 cử tri trong một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức.
Sang tháng 7, phong trào của Wong tiến hành một cuộc biểu tình ngồi, khiến quan chức Trung Quốc phải lên tiếng cảnh cáo. Lần đó khoảng 511 người đã bị bắt, theo CNN.
Đến tháng 8, cậu sinh viên năm nhất với vẻ bề ngoài có vẻ hiền lành, rụt rè khiến người đối diện dễ lầm tưởng cậu là một người yếu ớt, nhưng bên trong lại là một “chiến binh” thực sự với nội lực và quan điểm chính trị mạnh mẽ đã quyết định nghỉ học để dẫn đầu hàng ngàn học sinh, sinh viên xuống đường đấu tranh đòi dân chủ cho Hong Kong.
Trong tuần này, Scholarism đang huy động sinh viên bãi khóa, một hành động có tác động rất lớn khi Hong Kong là một nơi coi trọng giáo dục, để gửi thông điệp đòi dân chủ đến Bắc Kinh.
Phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên đã thu hút sự ủng hộ to lớn của người dân Hong Kong
Là người sáng lập ra nhóm sinh viên vì dân chủ Scholarism, Wong tuyên bố: “Phổ thông đầu phiếu là sứ mệnh của thời đại hiện nay, và thời đại này thuộc về thanh niên, bởi thế hãy để thanh niên hoàn tất sứ mệnh của mình. Thanh niên sẽ luôn là những người tiên phong”.
Cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên do Wong dẫn đầu đã thu hút được sự ủng hộ to lớn của người dân Hong Kong. Hàng trăm giáo sư đại học, liên đoàn giáo viên Hong Kong đều bày tỏ sự đoàn kết với phong trào đấu tranh của Wong. Hầu hết các trường đại học Hong Kong tuyên bố sinh viên tham gia biểu tình sẽ không bị trừng phạt. Lãnh đạo các trường học cam kết sẽ khoan dung cho các sinh viên bãi khóa để tham gia biểu tình và hiệp hội giáo viên lớn nhất Hong Kong đã đưa ra khẩu hiệu kêu gọi “Đừng để sinh viên biểu tình bơ vơ một mình”.
Joshua Wong đã bị bắt vào tối 26/9 trong khi đang cùng các sinh viên biểu tình tiến vào khu vực trụ sở chính quyền Hong Kong.
Cảnh sát đã lục soát phòng trọ trong ký túc xá của sinh viên này và đã tịch thu một số thứ, bao gồm máy tính và điện thoại, các nhà tổ chức biểu tình cho hay.
Wong bị bắt tối 26/9 nhưng sau đó đã được thả ra hôm 28/9 và không bị truy tố gì
Sinh viên 17 tuổi này còn cáo buộc rằng, từ các hãng thông tấn thay đổi cách đưa tin để thể hiện xu hướng thân Bắc Kinh, cho đến “thói ưu đãi người nhà” khi các chính trị gia thân Bắc Kinh luôn giành được những vị trí cao trong chính quyền, Hong Kong đang nhanh chóng trở thành nơi “không khác gì so với các thành phố Trung Quốc khác đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương”.
Đó là lý do vì sao Wong tập trung chú ý đến việc đấu tranh giành quyền tự bỏ phiếu chọn lãnh đạo. Nhóm của Wong, vốn hiện có khoảng 300 thành viên, đã trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất của phong trào đòi dân chủ tại Hong Kong, theo CNN.
Tuy nhiên, sau đó tòa án Hong Kong đã ra phán quyết thả tự do cho Wong vô điều kiện sau hơn 40 giờ cậu bị giam giữ, và không có cáo buộc truy tố nào chính thức được đưa ra. Sau khi được thả ra khỏi đồn cảnh sát, Wong lại bắt tay ngay vào cuộc đấu tranh của mình.
Trả lời phỏng vấn CNN, Wong tự tin: “Tôi không cho rằng cuộc đấu tranh của chúng tôi sẽ kéo dài quá lâu. Nếu bạn nghĩ rằng đấu tranh vì dân chủ là một cuộc chiến lâu dài, phức tạp mà bạn vẫn đủng đỉnh, bạn sẽ không bao giờ đạt được điều đó”.
Yên Yên (Tổng hợp)
Theo Người đưa tin