Theo số liệu cập nhật đến 6 giờ sáng 18/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận trên 198.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 7.961 ca tử vong và trên 81.000 ca đã bình phục. Châu Âu tiếp tục là “điểm nóng” nhất trên thế giới của đại dịch Covid-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận hiện đã có 164 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19. Trong 24h qua, dịch bệnh đã khiến 799 người thiệt mạng.
Tại châu Âu, Italy vẫn là ổ dịch COVID-19 lớn nhất, trong khi các nước khác như Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh cũng chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh.
Italy ngày 17/3 đã có tới 345 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên tới 2.503 trong tổng số 31.506 ca nhiễm.
Trong khi đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 18/3 cho biết tính đến cuối ngày 17/3, Trung Quốc ghi nhận thêm 13 ca nhiễm mới, thấp hơn 21 ca của ngày trước đó, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 80.894.
Theo Reuter, số ca tử vong tại Trung Quốc tăng 11 ca lên 3.237, tính đến cuối ngày 17/3. Số ca COVID-19 "nhập khẩu" từ nước ngoài vào Trung Quốc là 155 ca tính đến 17/3, tăng 12 ca so với ngày trước đó.
Từng là nơi khởi nguồn dịch COVID-19, giờ đây mọi chuyện đã đảo chiều. Trung Quốc lại đang là nơi an toàn nhất trên Trái đất khi nhiều người Trung Quốc sống ở nước ngoài hoặc người nước ngoài làm việc ở Trung Quốc đang chọn cách ở lại hoặc trở về Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh lây lan toàn cầu.
Tình cảnh trái chiều đang xảy ra ở Trung Quốc và Mỹ, châu Âu. Các cửa hàng, công ty Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại, trừ Hồ Bắc, còn châu Âu ngày càng siết chặt, phong toả người dân không ra ngoài.
Apple mở lại cửa hàng ở Trung Quốc và đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở tất cả các nước khác trong 2 tuần. Một đội bóng ở Vũ Hán từng đưa toàn bộ cầu thủ sang Tây Ban Nha tránh dịch, giờ đây lại trở về Trung Quốc.
Tỷ phú Jack Ma mới đây cũng tuyên bố quyên góp 1 triệu khẩu trang và 500.000 kit thử virus Corona cho Mỹ. Gần đây, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã thông báo cách ly toàn bộ người nước ngoài đến thành phố trong 14 ngày.