Dòng trực thăng lai V-22 Osprey của Mỹ bắt đầu được thử nghiệm trên tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson.
Theo thông tin từ trung tâm Tin tức hải quân Mỹ (NNS) cho biết : "Để chuẩn bị cho kế hoạch thay thế máy bay vận tải C-2 Greyhound, tàu sân bay USS Carl Vinson đã tiếp nhận hoạt động cất cánh và hạ cánh của một chiếc trực thăng V-22 Osprey từ phi đội thử nghiệm và đánh giá tác chiến số một của thủy quân lục chiến Mỹ".
V-22 Osprey. Ảnh: USNAVY |
V-22 Osprey (Chim ưng biển) dự kiến sẽ thực hiện chức năng chở quân đổ bộ cũng như đảm bảo các nhiệm vụ hậu cần khác.
Được mệnh danh là "Chim ưng biển thần tốc", trực thăng V-22 Osprey là loại máy bay đặc biệt được Lầu Năm Góc phát triển từ năm 1983 với mục đích tạo ra chiếc máy bay phản lực có thể hoạt động ở các địa hình nhỏ hẹp, từ trong rừng rậm cho đến các đường băng dã chiến cực ngắn và các tàu sân bay trực thăng nhỏ.
Với thiết kế động cơ độc đáo, V-22 Osprey vừa có thể cất cánh thẳng đứng như trực thăng, lại vừa có thể lao đi như một máy bay phản lực.
Với hệ thống động cơ và trang thiết bị phức tạp, cùng quá trình nghiên cứu và phát triển đắt đỏ, mỗi chiếc V-22 Osprey có giá lên đến gần 100 triệu USD, và Lầu Năm Góc đã chi tới 56 tỷ USD cho toàn bộ chương trình phát triển, chế tạo chiếc máy bay đặc biệt này.
V-22 Osprey có chiều dài 17,5 m, chiều rộng (cả cánh) 25,8 m, trọng lượng cất cánh tối đa 27,4 tấn, tầm hoạt động 1.600 km. Chiếc máy bay lai này có thể chở theo 24 binh sĩ và 9 tấn hàng hóa, khí tài quân sự.
Điểm đặc biệt của V-22 Osprey là nó có động cơ có thể xoay một góc 90 độ để vừa có thể cất cánh thẳng đứng như trực thăng, lại vừa có thể lao đi trên không trung như một máy bay động cơ cánh quạt thông thường.
"Chim ưng biển" cất cánh trên tàu sân bay. Ảnh: USNAVY |
Nhờ trang bị hai động cơ АЕ1107С Liberty có công suất 6.150 mã lực, V-22 Osprey có thể đạt vận tốc tối đa 510 km/h ở chế độ phản lực, 184 km/h ở chế độ trực thăng.
Một ưu điểm khác tạo nên độ cơ động của V-22 Osprey là máy bay có thể chuyển đổi chế độ bay từ trực thăng sang phản lực cánh quạt chỉ trong 16 giây. Thêm nữa, hai cánh quạt có thể gấp lại gọn gàng, giúp thuận tiện trong việc bảo quản.
Với tốc độ nhanh và khả năng cơ động cao, V-22 Osprey được xem là loại máy bay phù hợp để triển khai bộ binh cũng như tham gia tấn công ở nhiều chiến trường khác nhau.
Tuy nhiên, do là máy bay vận tải nên V-22 Osprey được trang bị hỏa lực khá nhẹ bao gồm một súng máy gắn ở phía sau và một khẩu súng điều khiển từ xa có thể được gắn vào bụng máy bay. Bên cạnh đó, các lính thủy đánh bộ Mỹ có thể sử dụng súng máy được gắn trên một trục xoay 360 độ trong các trường hợp đặc biệt vì trọng lượng của loại súng này khá nặng.
"Chim ưng biển" tại triển lãm. Ảnh: USNAVY |
Với khả năng chuyên chở khối lượng hàng hóa lớn cùng độ linh hoạt khi có thể cất và hạ cánh ở nhiều loại địa hình phức tạp, V-22 Osprey còn được lục quân Mỹ thường xuyên sử dụng trong các chiến dịch cứu hộ-cứu nạn đặc biệt. V-22 Osprey có thể bay là là trên mặt biển, hoặc các khu vực bị chia cắt để viện trợ hàng hóa cũng như tìm kiếm nạn nhân, đồng thời có thể tăng tốc để ứng cứu khẩn cấp khi nhận được thông tin của sở chỉ huy mặt đất.
Việc các hạm đội của Mỹ vốn đã có sức mạnh vô song trên thế giới, được mệnh danh như những "cá mập sắt khổng lồ" của đại dương, với sự bổ sung thêm V-22 Osprey được ví như cá mập mọc thêm cánh.
Quý Vũ (Tổng hợp)