Phạt đến 30 triệu nếu mở quán karaoke quá 12h đêm
Theo Nghị định 38 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, từ 1/6, mức phạt tiền 20-30 triệu đồng được áp dụng đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm một trong các hành vi như:
- Kinh doanh dịch vụ ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 24h mỗi ngày; sửa chữa, tẩy xoá hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke.
- Hành vi đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với hành vi không mặc trang phục hoặc không đeo biển tên do người sử dụng lao động cung cấp; phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng đối với hành vi không cung cấp trang phục hoặc không cung cấp biển tên cho người lao động.
Quảng cáo trên truyền hình
Nghị định này cũng có nhiều quy định đáng chú ý về việc quảng cáo trên truyền hình. Cụ thể như: Phạt 50-100 triệu đồng nếu quảng cáo trong chương trình thời sự; quảng cáo quá 2 lần trong mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình; quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện…
Nghị định 38 có hiệu lực từ 1/6, thay thế Nghị định 56 và Nghị định 158.
Nói tục, chửi thề ở lễ hội bị phạt đến 500.000 đồng
Nghị định này nêu rõ mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam; thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định.
Ngoài ra, nghị định nêu rõ mức phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng đối với hành vi chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.
Mức phạt 1-3 triệu đồng được áp dụng cho vi phạm bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích; không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội…
Bổ sung cách tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT
Nghị định 43 được Chính phủ ban hành quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 1/6.
Cơ sở dữ liệu này có nhiều thông tin liên quan đến BHXH, BHYT của người tham gia. Cụ thể như:
- Về bảo hiểm y tế: Có mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 05 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng.
- Về bảo hiểm xã hội: Có mã số bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội…
- Về bảo hiểm thất nghiệp: Có quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp…