Tin mới

Chính sách nổi bật nào có hiệu lực từ tháng cuối tháng 5/2021?

Thứ năm, 20/05/2021, 18:00 (GMT+7)

Những chính sách mới có hiệu lực từ cuối tháng 5: Tăng mức hỗ trợ học nghề với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Tốt nghiệp cử nhân có thể học nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên,...

Tăng mức hỗ trợ học nghề với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Từ ngày 15/5/2021, theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng (quy định cũ tại Quyết định 77/2014/QĐ-TTg là tối đa 1 triệu đồng/người/tháng).

Tốt nghiệp cử nhân có thể học nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên

Từ ngày 22/5/2021, theo Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông (THCS, THPT), người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, THCS, THPT sẽ được học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quy định miễn lệ phí cấp hộ chiếu

Từ ngày 22/5/2021, Thông tư 25/2021/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam có hiệu lực.

Theo đó, quy định miễn lệ phí cấp hộ chiếu đối với 3 trường hợp: Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu; Người Việt Nam ở nước ngoài phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu.

Những trường hợp vì lý do nhân đạo: Tổ chức thu lệ phí phải đóng dấu “Miễn thu lệ phí” (GRATIS) vào giấy tờ đã cấp; Phí cấp hộ chiếu gắn chip điện tử 200.000 đồng.

Bộ Tài chính quy định lệ phí cấp hộ chiếu gắn chip điện tử và hộ chiếu không gắn chip điện tử có mức phí bằng nhau là 200.000 đồng. 

Theo đó, quy định có hiệu lực từ ngày 25/5 theo Thông tư 25 của Bộ Tài chính. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng quy định điểm mới về lệ phí và thời hạn cấp thẻ tạm trú cho công dân nước ngoài. 

Thay vì có thời hạn 2-5 năm thì quy định mới tăng 5-10 năm và phí cấp thẻ tạm trú sẽ tăng từ 155 USD (3,5 triệu đồng) lên 165 USD (3,7 triệu đồng) mỗi thẻ. Bộ cũng bỏ quy định thu lệ phí khi gia hạn hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ 100.000 đồng/lần. 

Quy định về nội dung khám sức khỏe định kỳ đối với quân nhân

Thông tư 37/2021/TT-BQP về phân loại, khám sức khỏe, phân cấp nhiệm vụ quản lý sức khỏe đối với quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng có hiệu lực  từ ngày 29/5/2021.

Theo đó, nội dung khám sức khỏe định kỳ đối với quân nhân gồm: 

Xác định chỉ số khối cơ thể (BMI: Body Mass Index)

Khám lâm sàng các chuyên khoa: Nội khoa, ngoại khoa, da liễu, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, sản phụ khoa đối với nữ 

Khám cận lâm sàng: Xét nghiệm huyết học; sinh hóa máu, nước tiểu; điện tim; siêu âm bụng tổng quát; chụp X-quang ngực và các xét nghiệm khác khi cần thiết

Riêng quân nhân có quân hàm cấp thượng tá, đại tá còn có thêm xét nghiệm miễn dịch, dấu ấn ung thư.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news