Chia sẻ về những tác phẩm nghệ thuật đang khiến CĐM mê mẩn, anh Nguyễn Nam Sơn (quê Hà Nội, hiện làm ở một công ty về bảo hiểm) cho hay, những tác phẩm của anh còn được gọi là nghệ thuật gấp giấy Origami (nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản), làm từ chất liệu giấy dó, vốn là giấy thủ công truyền thống được dùng làm tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, chép sử…
Niềm đam mê gấp giấy của anh bắt đầu từ năm học lớp 12 đến nay đã được 8 năm nhưng anh Sơn cho biết, hiện tại ở Việt Nam dường như chưa có loại giấy nào chuyên dùng để gấp Origami cả, anh đã phải mày mò và tìm hiểu, thử nghiệm về các loại giấy hiện có và tìm ra cách xử lý giấy dó để gấp.
Theo anh Sơn, giấy dó khá mềm và chỉ có màu trắng. Tuy nhiên sau quá trình xử lý màu sẽ lên màu tốt, dai và có thể bảo quản mẫu mà không bị bạc màu hoặc cũ đi theo thời gian. Và tất cả mẫu gấp của anh đều tuân theo quy tắc nguyên bản của Origami (gấp từ một tờ giấy vuông không cắt dán).
Anh Sơn cũng cho biết, hiện tại đây chỉ là đam mê chứ không phải là công việc chính của mình. Việc gấp giấy trên luyện cho anh sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, óc quan sát, tư duy hình học và logic. Có một câu chuyện vui ngoài lề là nhờ Origami mà anh Sơn luôn được điểm tối đa trong các bài thì về toán hình học, và cả đề thi đại học.
Chàng trai 9X Hà Nội cũng chia sẻ, việc gấp giấy như vậy vừa khó và vừa dễ. Khó ở chỗ khi mình sáng tạo một mẫu gấp, phải căn chỉnh tỷ lệ giữa các bộ phận hài hòa và tìm cách để thể hiện tất cả trên một tờ giấy mà không có sự can thiệp của kéo, hay ghép và dán thêm. Còn dễ ở chỗ là hiện tại có rất nhiều phần mềm có thể ứng dụng vào Origami.