Theo tin tức từ Infonet và báo Giáo dục & Thời đại, Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã dành riêng mục 2, chương 5 về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Theo đó, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau:
Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Tại điều 70 quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong vận chuyên cũng quy định, tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu:
Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Tương tự, tại điều 71, quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ cũng quy định rõ cơ sở giết mổ vật nuôi phải có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; và phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Bên cạnh đó, Điều 66 của Luật Chăn nuôi quy định chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y; Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y; Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.