Người đàn ông nổi tiếng vì lười biếng tên là Dương Tỏa. Anh sinh ra tại một vùng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ngay từ khi mới chào đời, Dương Tỏa được bố mẹ coi như báu vật, cầm trên tay sợ rơi, ngậm trong miệng sợ tan. Vì vậy, họ cung phụng cậu con trai quý tử, đáp ứng mọi nhu cầu của con.
Từ nhỏ, Dương Tỏa rất yếu nên bố mẹ đã chọn đặt cái tên này với mong muốn cậu sống thọ. Họ chiều con tới mức năm Dương Tỏa 8 tuổi vẫn được bố đặt trong một chiếc giỏi tre đưa rước khắp nơi do sợ con bị ngã.
Gia đình sống trong cảnh nghèo khó, cuộc sống eo hẹp. Đôi vợ chồng già thà ăn cơm với cà muối xổi nhưng vẫn mua thịt cho Dương Tỏa. Có thể nói, dù sinh ra trong gia đình nghèo nhưng chất lượng cuộc sống của Dương Tỏa lại khá cao.
Dương Tỏa trở nên ngỗ ngược dưới sự nuông chiều của bố mẹ. Không thích cái gì là cậu bé mất bình tĩnh, quấy khóc. Đến khi đi học, Dương Tỏa cũng không tuân theo kỷ luật ở trường, gây rối khắp nơi. Khi bị giáo viên phê bình, Dương Tỏa sẽ về nhà phàn nàn với bố mẹ. Ngày hôm sau, hai ông bà già lại đến trường xin lỗi giáo viên. Cuối cùng, giáo viên đã phớt lờ cậu học sinh cá biệt này.
Sự lười biếng của Dương Tỏa không phải bẩm sinh. Khi còn nhỏ, thấy bố mẹ làm việc vất vả và bận rộn cả ngày, cậu bé cũng có lòng giúp đỡ họ làm những công việc có thể. Nhưng bố mẹ Dương Tỏa khi ấy cưng con như cưng trứng, nói rằng: "Con không cần phải làm việc, chỉ cần ở nhà".
Dương Tỏa lẽ ra là một người thông minh, siêng năng nhưng chính sự cưng chiều thái quá của bố mẹ khiến anh trở nên lười biếng. Cuối cùng, anh trở thành một đứa trẻ hư, không muốn lao động.
Trong một thời gian dài, Dương Tỏa đã sống vô lo vô nghĩ. Nhưng kể từ khi bố mẹ qua đời, thế giới của chàng trai trẻ thay đổi hoàn toàn. Năm 14 tuổi, bố Dương Tỏa mất vì ung thư gan. Mẹ Dương Tỏa sau đó càng nuông chiều con trai hơn. Một mình bà gánh vác mọi việc trong gia đình. Nhưng đến khi Dương Tỏa 18 tuổi, mẹ anh ốm yếu và qua đời.
Thời điểm đó, Dương Tỏa bơ vơ vì không được học hành, không có kỹ năng sinh tồn, thậm chí cả những kỹ năng chăm sóc bản thân cơ bản. Tương lai của Dương Tỏa vì thế mà mờ mịt.
Thấy em họ bơ vơ không nơi nương tựa, anh họ Dương Tỏa đã xin cho anh vào một công trường xây dựng trong thị trấn. Nhưng chỉ 2 ngày làm việc, Dương Tỏa đã không chịu nổi áp lực và sự bẩn thỉu ở công trường, lẻn trốn về nhà không lời chào.
Sau đó, một người dân làng tốt bụng đã giới thiệu cho anh đến làm tiếp viên ở khách sạn. Nhưng Dương Tỏa không những lười biếng mà còn tỏ thái độ với khách hàng. Không lâu sau đó, anh bị sa thải.
Kể từ đó, Dương Tỏa không ra khỏi nhà, không tiền tiêu, không thức ăn. Lúc này, anh ta bán dần đồ trong nhà để lấy tiền ăn dần. Chẳng bao lâu sau, Dương Tỏa không còn gì để bán.
Dương Tỏa bắt đầu "mặt dày" đi xin ăn hết nhà này đến nhà khác trong làng. Mọi người thương cảm cho anh ta một ít thức ăn. Về sau, Dương Tỏa cũng không thèm đi xin nữa. Anh ta nằm ở nhà đóng kín cửa.
Những người dân làng có lòng tốt thỉnh thoảng gửi đồ ăn cho Dương Tỏa. Tuy nhiên, nếu là đồ đã nấu chín, Dương Tỏa sẽ giải quyết hết còn đồ sống thì bị bỏ đến mức bốc mùi. Nguyên nhân là vì Dương Tỏa không biết nấu ăn, cũng không muốn học.
Với một bữa no, Dương Tỏa có thể ngủ mấy ngày liền sau đó. Trời lạnh anh ta cũng lười đi vệ sinh, đào ngay một cái hố trong nhà và giải quyết tại chỗ. Căn nhà nát bị dột khắp nơi, anh ta không quan tâm mà vẫn nằm ngủ.
Mùa đông năm đó, Dương Tỏa 23 tuổi đã chết rét trong nhà. Trên bàn vẫn còn thức ăn mà dân làng mang đến. Nhiều người nói Dương Tỏa chết đói vì quá lười biếng. Nhưng ai cũng biết nguyên nhân sâu xa là do bố mẹ quá nuông chiều khiến anh trở thành một người lười biếng, thụ động như vậy.