Cảnh báo được đưa ra ngày hôm qua khi EU lên kế hoạch mới nhằm trấn áp các chiến dịch đưa tin đánh lạc hướng từ các đơn vị truyền thông nhà nước Trung Quốc và Nga, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Vụ việc mới nhất liên quan đến cuộc đối thoại chiến lược giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đại diện cấp cao EU về vấn đề đối ngoại và Chính sách an ninh Josep Borrell. "Thông cáo báo chí của Trung Quốc đã tường thuật một cách có chọn lọc và không cân bằng về những cuộc thảo luận", phát ngôn viên các vấn đề đối ngoại EU Virginie Battu-Henriksson nói với tờ SMCP. "Chúng tôi đã thông báo cho các đối tác Trung Quốc là sự cố này không thể chấp nhận được, hy vọng Trung Quốc trình bày quan điểm của họ trong khi EU trình bày quan điểm của mình", bà nói thêm.
Đang được bàn đến là một thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ. Trong đó, ông Borrell được dẫn lời rằng EU "tìm kiếm sự hợp tác và đối thoại với Trung Quốc dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, không đối địch hay đối đầu". Một nguồn tin giấu tên của EU nói rằng điều này không phù hợp với lời giải thích của ông Borrell về "đối thủ mang tinh hệ thống" (quan điểm chính thức của EU với Trung Quốc) trong cuộc họp với ông Vương. Báo Trung Quốc cũng đưa tin ông Borrell nói rằng cả 2 bên đã có cam kết chung đối với những thách thức toàn cầu.
Một báo cáo trên Tân Hoa xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, đã dẫn lời ông Borrell khi nói rằng EU "kỳ vọng cao vào mối quan hệ với Trung Quốc và sẽ có những nỗ lực để đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ hơn" và EU "hoan ngênh sự tham gia tích cực của Trung Quốc trong hợp tác quốc tế".
EU đã không hài lòng với những gì mà truyền thông Trung Quốc vẽ ra, cho thấy khối không còn thảo luận về đối thủ có hệ thống với Trung Quốc - một chính sách mà EU đưa ra vào năm ngoái. Trong cuộc họp báo hôm 9/6 sau cuộc họp với Vương, Borrell cho biết ông đã xem xét rất kỹ ý nghĩa của đối thủ có hệ thống. "Từ "đối thủ" rất quan trọng trong ngôn ngữ ngoại giao bởi nó không phải là một từ nhẹ nhàng", ông nói với phóng viên. "Tôi có thể nói với các bạn rằng chúng ta đã nói nhiều về ý nghĩa của việc trở thành "đối thủ có hệ thống".
Đây không phải lần đầu truyền thông Trung Quốc bị cáo buộc vặn vẹo những nhận xét của quan chức châu Âu khi họp với ông Vương Nghị trong những tuần gần đây. Tháng trước, chính phủ Pháp đã không đồng tình khi truyền thông Trung Quốc dẫn lời Emmanuel Bonne - cố vấn chính sách ngoại giao của Tổng thống Emmanuel Macron - khi nói với Vương rằng Pháp sẽ không "can thiệp" vào vấn đề Hong Kong. Pháp nói rằng báo cáo này là "không đúng sự thật".
Truyền thông Trung Quốc thường đưa những gì mà các quan chức ngoại giao nói trong cuộc họp hoặc điện đàm với quan chức Trung Quốc. Những phần chỉ trích Trung Quốc thường không được đề cập.
Hôm qua, EU đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm chống lại việc đưa tin đánh lạc hướng về đại dịch Covid-19 mà theo khối này là có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nga. Bà Vera Jourova, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, phát biểu tại một cuộc họp báo: "Chúng gì chúng tôi chứng kiến là sự đột biến trong những câu chuyện làm suy yếu nền dân chủ của chúng tôi và ảnh hưởng tới sự ứng phó đại dịch. Ví dụ, tuyên bố có những phòng thí nghiệm sinh học bí mật của Mỹ tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã được các hãng tin ủng hộ Kremlin cũng như quan chức và truyền thông Trung Quốc lan truyền".
Theo ông Borrell, chiến dịch chống đưa tin đánh lạc hướng của EU không được coi là hành động chống lại Trung Quốc. "Chúng tôi đã chống đưa tin sai lệch trong một thời gian dài. Chúng tôi đã bắt đầu làm việc này từ 5 năm trước. Trong những năm gần đây, thông tin đánh lạc hướng cũng xuất hiện từ Trung Quốc, nhưng nó không phải chống lại Trung Quốc, và càng không phải là chiến tranh lạnh chống lại Trung Quốc".