(Tinmoi.vn) Chiều ngày (11/7), tại Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, số 53 Nguyễn Du, Hà Nội đã có buổi giao lưu với André Menras –Hồ Cương Quyết – công dân mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, tác giả của bộ phim tài liệu “Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi đau mất mát”. Bộ phim thể hiện tình yêu và lòng nhân hậu của một “người Tây” với dải đất hình chữ S này.
Andre Menras –Hồ Cương Quyết
Bộ phim “Hoàng Sa – Việt Nam: nỗi đau mất mát” (bản tiếng Pháp “Hoang Sa Vietnam – La Meurtrissure” và bản Pháp-Anh là “La Meurtrissure – Painful Loss”). Phim dài 59 phút. Nội dung phim nói đến những ngư dân Việt Nam anh hùng đã bám biển làm kế sinh nhai và giữ biển cho tổ quốc Việt Nam, những phụ nữ ngư dân còn hy sinh gấp bội khi chồng con và anh em đang vật lộn ở nơi đầu sóng ngọn gió. Đời sống tâm linh qua những mộ gió và những lễ hội nhắc nhở tới các Đội Hoàng Sa có từ thế kỷ thứ 17 cũng hiện lên đầy sống động.
Hội trường buổi giao lưu
Theo lời chia sẻ của tác giả, được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, bộ phim là phóng sự, những thước quay chân thực nhất về con người, về cuộc sống hàng ngày của những ngư dân Lý Sơn ở ngư trường Hoàng Sa.
Họ phải sống trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, phải tự đào giếng nước ngọt cách biển vài mét, tự cắt chai thủy tinh chế tạo bóng đèn,... Bộ phim còn giới thiệu về đời sống ma chay, tâm linh của ngư dân vùng biển, những hình ảnh đầy ám ảnh về “những ngôi mộ gió không tên”. Đó là khi những người nghèo không có đủ tiền mai táng, và phải đợi nhiều tháng liền, trả vài trăm Euro cho một thày Pháp tạo hình thân thể người nộm được nhồi đủ nội tạng, mạch máu, xương ống tay, xương ống chân để tượng trưng cho những người đã khuất.
Bộ phim còn là chuyện đời của những người phụ nữ miền biển quanh năm vất vả, lo toan và gánh chịu đau thương, mất mát khi chồng, con của họ phải vật lộn nơi đầu sóng ngọn gió, thậm chí là bỏ mạng giữa biển khơi.
Những ngư dân quyết tâm “tay không” ra biển, có khi bị tàu Trung Quốc cướp phá, đốt tàu, thậm chí giết chết... Đằng sau những chuyến đi, những hy sinh mất mát của họ là nỗi đau của những người vợ, người mẹ, gia đình, con cái…
Tuy nhiên, những hùng binh Hoàng Sa vẫn không từ bỏ, tiếp tục thực thi nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền Tổ quốc trên biển được truyền lại qua bao đời.
Một vài hình ảnh trong bộ phim tài liệu “Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi đau mất mát”:
André Menras phỏng vấn gia đình ông Nguyễn Việt cho phim “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát”. Ông Việt có người con trai tên Nguyễn Thanh Biên đi biển bị quân Trung Quốc bắt ở Hoàng Sa năm 2009, bị tịch thu hết thuyền bè, và còn bị đòi tiền chuộc.
Vài khuôn mặt trong “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” do André Menras thực hiện, từ trái: Em Lê thị Thanh Thanh, cư dân đảo Lý Sơn, có cha là Lê Minh Tâm, đi biển chết mất xác; Bà Lê thị Sanh, cư dân đảo Lý Sơn, có chồng là Nguyễn Hoàng, đi biển mất tích với năm người khác, đề lại cho bà ba đứa con không một phương tiện sinh nhai; ông Võ Hiển Đạt, 80 tuổi, gia đình sống nhiều đời trên đảo Lý Sơn, nói Hoàng Sa thuộc về Việt Nam từ trước cả thời Vua Gia Long, và ông còn giữ nhiều tài liệu liên hệ.
Phim là lời khẳng định đanh thép của tác giả: “Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn vi phạm quyền con người, quyền được sống, được kiếm kế sinh nhai của hàng nghìn ngư dân Việt Nam tại ngư trường Hoàng Sa. Sự khủng bố của tàu Trung Quốc nhằm mục đích khiến cho nhiều ngư dân không dám đi biển nữa”.
Phát biểu cảm tưởng về bộ phim, P.GS, T.S Vương Toàn (Viện Thông tin KHXH) nói: Ông “hết sức cảm động, kính phục tác giả André.”
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp còn trân trọng mạn phép đặt tên bộ phim đáng quý này là “Nỗi đau của người miền Trung”, tượng trưng cho niềm trân trọng đối với quê hương miền Trung. Ông cũng bày tỏ cảm mến tấm lòng của một “ông Tây” đối với người dân, đất nước Việt Nam.
Tác giả André Menras cho biết bộ phim đã được mang đi trình chiếu ở nhiều nước trên thế giới như Czech, Đức, Ba Lan và khiến những người con xa xứ “rất xúc động”. Thậm chí những người lao động thiếu thốn cũng sẵn sàng quyên góp số tiền ít ỏi, nhưng đầy ý nghĩa cho những ngư dân, đồng bào mình. Theo tác giả, bộ phim đã “thức tỉnh những gì còn đang tiềm ẩn trong mỗi người”, giúp “mỗi người đều trở thành một người Việt Nam yêu nước.”
Như đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy nhận xét về André Menras, đây là bộ phim về “thân phận con người", "André có tấm lòng rất con người, nói lên những điều chúng ta cần phải làm, là quan tâm và bảo vệ ngư dân ngư trường Hoàng Sa”…
André Menras là người Pháp, mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam. Tên Việt Nam của ông là Hồ Cương Quyết, sau khi nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định công nhận André Menras là công dân Việt Nam hồi tháng 11/2009. Ông đến Việt Nam từ năm 1968, ban đầu dạy tiếng Pháp và sau đó là tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cùng người Việt trước năm 1975.
Điều làm André Menras đau lòng hơn cả là hoàn cảnh sống và chiến đấu của ngư dân miền Trung Việt Nam. Tên cuốn phim nói lên "nỗi đau" của chính anh với tư cách người viết kịch bản và đạo diễn.
Chi MK