Tin mới

Ngư dân Lý Sơn tố bị nhiều tàu chiến Trung Quốc nổ súng uy hiếp

Chủ nhật, 15/06/2014, 15:06 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Một ngư dân đảo Lý Sơn cho rằng có thể Trung Quốc đang cố mở rộng diện tích để thiết lập vùng nhận dạng phòng không khống chế toàn bộ vùng biển Trường Sa. Đảo Gạc Ma nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đây là cửa ngõ để tiếp cận với các cụm đảo tại Trường Sa của Việt Nam.\n>> Phản đối Trung Quốc xây dựng trường học trên đảo Phú Lâm>>Trung Quốc xây dựng trái phép tại bãi đá Tư Nghĩa: Lộ mưu đồ

(Tinmoi.vn) Một ngư dân đảo Lý Sơn cho rằng có thể Trung Quốc đang cố mở rộng diện tích để thiết lập vùng nhận dạng phòng không khống chế toàn bộ vùng biển Trường Sa. 

 

Chia sẻ trên một bài viết của báo Người Lao Động, ngư dân Dương Minh Thạnh, chủ tàu cá QNg 96079 TS - ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết ngày 14-5, ông cho tàu chạy về vùng biển gần đảo Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa - Việt Nam tìm luồng cá. Khi còn cách đảo Cô Lin chừng 5 hải lý về phía Tây, ông Thạnh phát hiện nhiều tàu vận tải và tàu hút cát của Trung Quốc, có tàu quân sự hỗ trợ, đang hoạt động trái phép ở đây.

Ngư dân Lý Sơn tố bị nhiều tàu chiến Trung Quốc nổ súng uy hiếp

Ông Nguyễn Quốc Chinh liên lạc với ngư dân

“Mỗi tàu hút cát trang bị vòi rồng công suất lớn hút cát quanh đảo Cô Lin rồi chuyển về Gạc Ma để bồi đắp. Thấy tàu của tôi đến gần, tàu quân sự Trung quốc nổ súng uy hiếp, nhiều loạt đạn chỉ cách tàu tôi vài sải tay” - ngư dân Thạnh bức xúc. 

Theo ông Thạnh, trên đảo Gạc Ma, nhiều phương tiện máy móc - có cả cần cẩu, máy ủi - đang thi công. Phía ngoài biển, 2 tàu hộ vệ tên lửa và tàu hải cảnh án ngữ, không cho tàu cá Việt Nam tiến gần.

Trong khi đó, ngư dân Bùi Văn Phải, thuyền trưởng tàu cá QNg 96169 TS - ở thôn Đông, xã An Hải -khẳng định ông thấy tàu quân sự và tàu hút cát Trung Quốc liên tục di chuyển trong khu vực giữa các đảo Cô Lin, Gạc Ma ... Cho tàu tiến sát, ông phát hiện đảo Gạc Ma đã được mở rộng, nhiều công trình mọc lên, trong đó có cả đường băng sân bay xây dựng dở. Phía Đông Nam đảo này, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một cầu cảng quy mô đồ sộ.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, cho biết từ nhiều ngày nay, thông qua hệ thống liên lạc Icom, nhiều tàu cá của ngư dân Lý Sơn hoạt động tại ngư trường Trường Sa báo về rằng Trung Quốc đang khẩn trương xây dựng một số công trình quân sự trên các đảo Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven... thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhiều tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang khai thác hải sản cách các đảo này vài hải lý thường xuyên bị lực lượng Trung Quốc trên các tàu quân sự xua đuổi. Họ sử dụng súng bắn đe dọa, buộc tàu cá của ngư dân phải chuyển ngư trường.

Theo ông Chinh, có thể Trung Quốc đang cố mở rộng diện tích để thiết lập vùng nhận dạng phòng không khống chế toàn bộ vùng biển Trường Sa. Đảo Gạc Ma nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đây là cửa ngõ để tiếp cận với các cụm đảo tại Trường Sa của Việt Nam.

Cũng trong ngày 14.6, theo thông tin từ Cục Kiểm ngư, tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc duy trì lực lượng hơn 100 tàu gồm tàu hải cảnh, tàu kéo... luôn chạy tốc độ cao bám sát và sẵn sàng ngăn cản, đâm va các tàu kiểm ngư, tàu CSB Việt Nam.

Tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc duy trì lực lượng 104-107 tàu gồm: 37-39 tàu hải cảnh, 29-31 tàu vận tải và tàu kéo, 31 tàu cá và 6 tàu quân sự. Lúc 6 giờ 50 phút – 7 giờ 50 phút, tàu Việt Nam phát hiện một máy bay của Trung Quốc hoạt động theo hướng đông bắc - trên khu vực giàn khoan.

Trong ngày, hoạt động của tàu kiểm ngư Việt Nam chủ yếu ở vị trí cách giàn khoan từ 9-11 hải lý và tàu cá của ngư dân ta hoạt động cách giàn khoan 28-30 hải lý. 

Các tàu hải cảnh, tàu kéo luôn bám sát tàu kiểm ngư Việt Nam và chủ động ngăn cảnh từ xa. Ngoài ra, những loại tàu này luôn sử dụng tốc độ cao bám sát tàu của ta ở khoảng cách 100-400m và sẵn sàng đâm va các tàu kiểm ngư Việt Nam ở khoảng cách từ 8-10 hải lý. 

1 tàu hải cảnh và 1 tàu kéo của Trung Quốc đã dàn hàng ngang chặn hướng di chuyển của tàu kiểm ngư khi trong quá trình hỗ trợ, giúp đỡ các tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động khai thác thuỷ sản ở ngư trường truyền thống.

Dã Quỳ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news